Sinh ra tại xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay từ nhỏ Viên Đăng Phú đã gắn bó với những câu hát, điệu múa của dân tộc mình, tiếng kẽo kẹt của khung dệt và lớn lên với những món ăn của núi rừng nơi đây. Bởi thế, lúc nào trong anh cũng đau đáu một nỗi niềm làm sao để giúp cuộc sống người dân ngày càng phát triển và gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Viên Đăng Phú cho biết: “A Roàng là xã giáp ranh của huyện A Lưới, trong đó phần lớn là người dân tộc Tà Ôi. Do nơi đây có nhiều nét văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên đẹp nên khách du lịch tới tham quan bản làng tôi ngày càng tăng. Khách đến đông, ngoài tín hiệu vui về du lịch thì đó còn là nỗi lo bản sắc văn hóa dân tộc mình dễ bị thay đổi. Bởi vậy, sau khi học xong đại học ở Đà Nẵng, tôi quyết tâm trở về quê hương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn văn hóa địa phương”.

leftcenterrightdel

 Anh Viên Đăng Phú (thứ hai, từ phải sang) cùng khách du lịch bên các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tà Ôi.

Thời gian đầu, khi trở về quê hương lập nghiệp, anh Phú gặp không ít khó khăn, từ hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho bà con đến những thiếu thốn ban đầu về cơ sở vật chất, vốn đầu tư... May mắn, anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, cũng từ đó homestay Hương Danh được thành lập do anh làm quản lý.

Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, anh Phú luôn cố gắng tìm những vật dụng mang đậm bản sắc của dân tộc Tà Ôi trang trí cho ngôi nhà, tăng cường quảng bá homestay của mình trên mạng xã hội. Anh cũng thường xuyên lên mạng học hỏi, giao lưu, theo học lớp hướng dẫn viên du lịch, lớp truyền dạy văn nghệ dân gian dân tộc Tà Ôi để phát triển homestay.

Sau hơn 10 năm thành lập, mô hình homestay thành công ngoài mong đợi. Hiện nay, mô hình của Viên Đăng Phú đang có định hướng phát triển du lịch trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Anh Phú chia sẻ, du lịch trải nghiệm tại các làng nghề sẽ giúp quảng bá văn hóa, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng homestay của anh Phú thu hút khoảng 60-70 khách, nhờ đó mang lại thu nhập cho 20 lao động từ 2-5 triệu đồng/tháng.

“Tôi mong muốn sau này có thể mở rộng homestay, đưa văn hóa của địa phương, đồng bào Tà Ôi vào các sản phẩm du lịch để khách tham quan biết đến nhiều hơn. Từ đó, có thể tạo việc làm, góp phần ổn định đời sống người dân”, anh Phú nói về dự định trong thời gian tới.

Bài và ảnh: TUỆ AN