Đến bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), chúng tôi nghe bà con nhắc nhiều đến ông Lý Văn Hom (dân tộc Khơ Mú) là người có uy tín, gương mẫu, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Chúng tôi tìm đến nhà ông Hom, khi ông đang hướng dẫn bà con trong bản kỹ thuật chăn nuôi gia súc. Ông Hom chia sẻ: “Bản Tổng Pịt hiện có 94 hộ dân, trong đó có 73 hộ người dân tộc Khơ Mú, còn lại là dân tộc Mông. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, cách xa trung tâm xã nên việc tiếp cận thông tin của bà con trong bản còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nhằm giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, cán bộ xã luôn tích cực tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để bà con trong thôn nâng cao nhận thức, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ăn, ở, sinh hoạt, ma chay, cưới hỏi”.
    |
 |
Ông La Tài Quan tiên phong trồng quế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Để vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Hom cùng cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế; đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân... Từ sự năng động, tâm huyết của người cán bộ “đầu tàu” cùng sự nỗ lực, đồng lòng của bà con, đến nay, đời sống của người dân bản Tổng Pịt ngày càng được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Trong bản có 10 hộ gia đình thuộc diện khá giả với nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.
Cũng giống như ông Hom, ông La Tài Quan, dân tộc Dao, là người có uy tín ở thôn Thác Tiên (xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), luôn phát huy vai trò, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Nhận thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, từ năm 1990, ông đã phổ biến, vận động bà con ươm bầu quế, cải tạo nương đồi để trồng quế. Theo ông Quan, thời điểm đó bà con nở rộ phong trào trồng quế và đến nay, thành quả sau hàng chục năm đã thu được trái ngọt.
Ông Quan cho biết: “Bà con quanh năm vất vả với ruộng nương, đi rừng, thôi thì cố gắng trồng thêm cây quế, vừa phủ xanh đồi, vừa có nguồn thu nhập. Để bà con nghe theo thì bản thân mình phải cố gắng làm có kết quả, bà con nhìn vào thấy mình làm được thì họ sẽ tin thôi”. Để dân làm theo, gia đình ông Quan đã tiên phong đi đầu trong công cuộc trồng quế cải thiện đời sống. Gia đình ông đã trồng hơn 30ha quế. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, cả lá, thân, vỏ đều có thể bán được nên cứ khai thác xong là ông lại trồng mới. Đến nay, nhờ cây quế, mỗi năm, gia đình ông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Lý Văn Hom và ông La Tài Quan chỉ là hai trong số hàng nghìn người có uy tín tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế. Tấm gương của họ chính là bằng chứng cho sự nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo để đồng bào tin tưởng, nghe và làm theo.
Bài và ảnh: KIM ANH