Do yêu thích các bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc Khmer, từ khi 11 tuổi, Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê ở ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) đã theo các chú, các anh trong xã đi xem biểu diễn, từ đó học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách hát, cách múa. Niềm đam mê ca hát đã thôi thúc Danh Bê tham gia phong trào văn nghệ từ ấp đến xã.
Với Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê, gắn bó với nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer không chỉ là tình yêu mà còn có trách nhiệm bảo tồn nghệ thuật của dân tộc.
 |
Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê truyền dạy điệu múa cho thành viên Đội Văn nghệ Khmer. |
Ông Danh Bê chia sẻ: “Tôi thành lập Đội Văn nghệ Khmer với mong muốn giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Riêng ở xã Định Hòa, các cháu có năng khiếu và yêu thích ca hát được tôi hướng dẫn từng động tác từ nhỏ, lớn lên, nhiều cháu được mời đi biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào Khmer”.
Nhờ có năng khiếu và kinh nghiệm trong những năm đi biểu diễn ở Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang, cùng với tính ham học hỏi nên ông Danh Bê có hiểu biết sâu sắc về các điệu múa, điệu hát truyền thống của người Khmer. Từ đó, ông tự sáng tác nhạc, các bài múa và tập cho Đội Văn nghệ Khmer của ông biểu diễn. Đến nay, ông Danh Bê đã sáng tác hơn 40 bài múa, 20 bài hát bằng tiếng Khmer, trong đó có một số bài được dịch ra tiếng Việt.
Đội Văn nghệ Khmer của Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê hiện có gần 50 diễn viên, nhạc công ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tại đây, các diễn viên được học những điệu múa như Apsara, múa trống Sadăm, múa Rôbăm... Để duy trì đội văn nghệ, ông Danh Bê và các thành viên của đội đã tự nguyện đóng góp theo khả năng để mua nhạc cụ, trang phục và thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động biểu diễn, tập luyện của đội.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Định Hòa cho biết: “Đội Văn nghệ Khmer của Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê là nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của xã, góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer. Thông qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng từ Đội Văn nghệ Khmer, nhiều bạn trẻ có năng khiếu, triển vọng được tuyển vào Đoàn nghệ thuật Khmer của tỉnh”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NGHI
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ mỗi khi được điều động, thời gian qua, lực lượng dân quân và dự bị động viên (DBĐV) người dân tộc Khmer huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng còn nỗ lực phát triển kinh tế bằng nhiều cách làm hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều đồng chí đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống dần trở nên sung túc.