Trần Đề là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 49,1% dân số của toàn huyện và có nhiều xã đặc biệt khó khăn. Do đó, Ban CHQS huyện luôn tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân cũng như lực lượng dân quân và DBĐV.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Trần Đề tham quan mô hình nuôi bò của anh Đinh Văn Lâm ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng. |
Trung tá Sơn Tấn Phong, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Trần Đề cho biết: “Với vai trò quản lý, chúng tôi chủ động rà soát hoàn cảnh của từng đối tượng, tìm hiểu nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt hay buôn bán để có hướng giúp đỡ. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chăm lo cho các đối tượng này. Khi đã xác định được đối tượng, Ban CHQS huyện giữ vai trò “thẩm định, bảo lãnh” để anh em được vay vốn hoặc tham gia vào các dự án phát triển kinh tế của địa phương”.
Năm 2002, anh Đinh Văn Lâm ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề nhập ngũ tại Lữ đoàn Công binh 25. Năm 2004, anh Lâm xuất ngũ trở về địa phương tham gia vào lực lượng DBĐV và luôn gặp khó khăn về kinh tế, nhất là sau khi lập gia đình năm 2008. Biết được hoàn cảnh của anh Lâm, đầu năm 2018, Ban CHQS huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giúp gia đình anh vay 20 triệu đồng để chăn nuôi bò, nhờ vậy, đến nay, gia đình anh Lâm đã ổn định cuộc sống. Anh Lâm tâm sự: “Lúc đầu, tôi mua được một con bò giống. Nhờ chăn nuôi mát tay nên đàn bò ngày càng phát triển tốt. Trong thời gian nuôi, tôi còn trồng thêm cỏ voi quanh nhà để làm thức ăn cho bò. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán một con với giá hơn 20 triệu đồng. Ngoài nuôi bò, vợ chồng tôi còn đan lưới, khi đến mùa sạ lúa thì đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập”.
Còn anh Lâm Phai, dân quân ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng cũng là gia đình khó khăn về kinh tế trong nhiều năm qua. Được sự giúp đỡ của Ban CHQS huyện và sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2018, anh Phai được tạo điều kiện vay vốn mua 4 con lợn giống về nuôi. Sau một thời gian, gia đình anh xuất bán lứa đầu tiên, thu lãi được gần 4 triệu đồng. Từ số tiền lãi đó, anh mua thêm lợn con về nuôi. Hiện đàn lợn của anh Phai luôn dao động từ 15 đến 20 con. “Nuôi lợn bây giờ khó bởi dịch bệnh nhiều, nhưng nhờ các anh ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên đàn lợn nhà tôi luôn khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp”, anh Phai cho biết.
Với sự năng động và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất của mình, mỗi một mô hình phát triển kinh tế của lực lượng dân quân, DBĐV đều có tác động tích cực đến người dân, làm cho dân tin và làm theo, góp phần xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững chắc tại địa phương.
Bài và ảnh: QUANG ĐỨC - THANH NAM