Lúa nước trên núi, cái bụng dân no
Đến vùng biên giới Ðức Cơ, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy trên những ngọn núi cao ngập tràn mây phủ là những cánh đồng lúa mênh mông, xanh tốt. Lúa nước trồng trên núi thực sự là “chiếc cần câu” trao cho bà con, giúp hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) người Giơ Rai đẩy lùi cái đói, cái nghèo, lạc hậu.
Ông Vũ Mạnh Định, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho biết: "Mô hình “lúa nước trên núi” được chúng tôi lựa chọn để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp đã thực sự phát huy hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao; đã thay đổi được thời gian đi lao động; suy nghĩ, tập tục về trồng cây nói chung, cây lúa nói riêng của bà con DTTS. Được sự hướng dẫn, tiếp sức của cán bộ, công nhân Binh đoàn 15 và các ban, ngành, người dân địa phương đã làm quen và mạnh dạn cày đất, gieo hạt, bón phân, cải tạo đất chua phèn để trồng lúa nước. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng nên cây “lúa nước trên núi” phát triển rất nhanh, năng suất cao, ổn định; chi phí cũng tương đối thấp; hiệu quả kinh tế cao nên bà con phấn khởi, tin tưởng, bám đồng ruộng, gắn bó với cây trồng, với thôn làng...".
 |
Cán bộ Công ty 72 hướng dẫn người dân trồng, thu hoạch lúa xen canh. |
Ông Siu Quí, già làng Tung, xã Ia Nan (Đức Cơ) nói như khoe: Để có cánh đồng lúa nước bạt ngàn và hiệu quả như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng học tập, tích lũy kinh nghiệm và tinh thần lao động của dân làng, còn có sự tích cực giúp đỡ của bộ đội. Lúc đầu, khi nghe nói đến khai hoang đất, trồng lúa nước, nhiều người dân không đồng ý, phản đối. Vừa tuyên truyền, vận động, cán bộ Công ty 72 vẫn tiếp tục khai hoang đất, cải tạo, phục hồi đất chua phèn, đầu tư hàng trăm triệu đồng, tổ chức triển khai trồng hiệu quả gần 16ha lúa nước, 3km kênh mương thủy lợi.
Phần lớn người dân khi ấy không tin cây lúa nước sống được trên núi và những vùng "đồng chua, nắng hạn". Dân chưa tin phải làm cho dân tin; thế là bộ đội lại vận dụng kỹ thuật từ khâu trồng đến bón phân, phun thuốc trừ sâu, chăm sóc... Lúa lên nhanh, xanh tốt, được mùa, lãnh đạo công ty mời dân làng và chính quyền đến vừa tuyên truyền cách trồng lúa nước, vừa tiến hành bàn giao những ruộng lúa vàng nặng hạt với năng suất đạt từ 37 đến 40 tạ/ha, tăng gấp 7 lần lúa rẫy. Mô hình “Lúa nước trên núi” đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao và nhân rộng khắp vùng biên giới của tỉnh.
Hiệu quả từ cây lúa trên đất xen canh
Từ sự thành công của mô hình “lúa nước trên núi”, Binh đoàn 15 chủ trương thực hiện tiếp mô hình “cây lúa trồng trên đất tái canh cây cao su”.
Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ: “Đặt cuộc sống, lợi ích của công nhân, người lao động và bà con địa phương lên trên hết, từ năm 2014, chúng tôi đã chỉ đạo và triển khai cho các đơn vị hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân địa phương trồng lúa trên đất tái canh cây cao su, mỗi năm từ 1.500 đến 2.000ha. Mô hình này không chỉ mở rộng diện tích cây trồng cho người dân mà còn tiếp sức cho hàng nghìn hộ dân ở vùng biên giới xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân rộng ở các buôn làng vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên.
Đến các xã: Ia Din, Ia Dơk, Ia Krêl (Đức Cơ), Ia O, Ia Chía (Ia Grai)... chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước bạt ngàn sắc vàng của lúa chín. Bà con tấp nập vào mùa gặt. Điều đáng mừng là giờ đây nhiều gia đình đã biết dùng xe gặt-đập để đưa vào thu hoạch lúa. Ông Rơ Lan Pêu, Chủ tịch UBND xã Ia Dơk chia sẻ: "Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Binh đoàn 15 luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Đất ở đây được nhiều thương lái thuê với giá rất cao nhưng đơn vị vẫn ưu tiên cho bà con trồng lúa".
Theo già làng Rơ Châm Bơm (72 tuổi, người Giơ Rai), làng Krêl có 64 hộ, 256 khẩu, có được hạt lúa để ăn và để dành trong kho là hết lo cái đói. Từ năm 2014 đến nay, ngoài tạo điều kiện cho bà con trồng lúa trên đất tái canh cây cao su. Công ty 72, Công ty 74 và 75 còn cử cán bộ đến làng, đến nhà, đến tận nương rẫy để hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, hỗ trợ hạt giống, phân bón. Trung bình mỗi hộ trồng 5 sào, nhà nào chăm tốt thì thu hoạch được 5-6 tạ/sào. Từ ngày trồng thêm cây lúa, bà con không còn lâm vào cảnh thiếu đói mùa giáp hạt. Điều đáng mừng là nhờ có bộ đội hướng dẫn nên nhận thức về thời gian lao động của bà con đã thay đổi. Trước đây, 9 giờ dân làng mới đi làm và 15 giờ về... thì nay 5-6 giờ họ đã đi làm, trưa về, chiều đi làm đến 16-17 giờ mới về. Đi làm đúng thời gian, biết cách trồng cây công nghiệp, trồng lúa... kinh tế của các hộ gia đình đã phát triển.
Hiệu quả từ mô hình “lúa nước trên núi”, “cây lúa xen canh” đã tạo bước ngoặt lớn, bảo đảm lương thực và làm thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt, lao động và phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con DTTS vùng biên giới Gia Lai.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI