Hiện nay, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn hạn chế. Chính vì vậy, các địa phương trong tỉnh Kon Tum, trong đó có huyện Đăk Hà đã thực hiện nhiều dự án, chương trình, mở ra hướng phát triển giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.

 Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi tại huyện Đăk Hà. Ảnh minh họa: TTXVN.

Gia đình ông A Khon ở làng Đăk Klong, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà trước đây là hộ nghèo. Khi biết huyện Đăk Hà có cơ chế hỗ trợ vốn theo hình thức cho vay từ nguồn ngân sách không tính lãi, số nợ được trả dần trong 3 năm, ông đã quyết định vay 10 triệu đồng để đầu tư trồng 1ha cà phê.

Theo ông A Khon, khi bắt đầu trồng cà phê, gia đình gặp khó khăn trong việc chăm sóc cây vì thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, được cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây, vườn cà phê đã phát triển tốt, sản phẩm được thương lái thu mua với giá 70 triệu đồng/ha. Từ số tiền thu được, gia đình tiếp tục đầu tư quay vòng. Nhờ đó, hiện nay, kinh tế gia đình ông A Khon đã được cải thiện, được chính quyền địa phương công nhận thoát nghèo.

Được biết, năm 2016, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà đã tham mưu UBND huyện thẩm định và phê duyệt triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí 620 triệu đồng từ nguồn ngân sách, với sự tham gia của 61 hộ nghèo là đồng bào DTTS.

Đến nay, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, đã có 23 hộ hoàn trả nợ nguồn vốn ban đầu với số tiền 230 triệu đồng để huyện thực hiện việc luân chuyển nguồn vốn của dự án sang cho hộ khác. Đối với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Hà, dự án này thực sự như phao cứu sinh, là điểm tựa để người dân thoát nghèo bền vững.

Ngoài cho vay vốn, dự án còn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giúp đồng bào thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà, Đăk Hà là huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, nhận thức còn nhiều hạn chế nên kinh tế chậm phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện nhiều mô hình, điển hình như dự án cho vay không tính lãi.

Dự án đã giúp các hộ DTTS nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, phòng tiếp tục chú trọng và tham mưu UBND huyện nhân rộng các mô hình giảm nghèo nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chính sách và các nguồn vốn khác của địa phương.

TRÍ DŨNG