Từ nhỏ, Ly Mí Bình đã thấm thía cái nghèo đeo đẳng gia đình cũng như đồng bào dân tộc Mông trên mảnh đất đầy khó khăn, vất vả này. Nung nấu ý chí thoát nghèo, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, Ly Mí Bình đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi bò, lợn sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm việc, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn gia súc của gia đình anh Bình không ngừng phát triển. Hiện nay, gia đình anh có 4 con bò, 10 con lợn nái sinh sản và hơn 10 con dê. Từ chăn nuôi, bình quân mỗi năm anh thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. 

leftcenterrightdel

Đảng viên trẻ Ly Mí Bình chăm sóc đàn gia súc của gia đình.

Ly Mí Bình chia sẻ: “Qua học hỏi kinh nghiệm từ những người đã thành công cũng như được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, tôi thấy việc trồng ngô đem lại kinh tế thấp. Từ đó, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng gần 1ha cỏ và đầu tư chăn nuôi bò. Cùng với đó, gia đình tôi còn nấu thêm rượu, lấy bã rượu làm thức ăn cho bò và đàn lợn sinh sản. Để đàn gia súc phát triển tốt, ngoài bảo đảm nguồn thức ăn đầy đủ, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, gia đình tôi còn chú trọng tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi theo đúng hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc...”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ly Mí Và, Bí thư Chi bộ thôn Cho Do cho biết: “Hiện nay, Chi bộ thôn Cho Do có 16 đảng viên, trong đó Ly Mí Bình là một trong những đảng viên trẻ tuổi điển hình của Chi bộ. Phát huy tinh thần gương mẫu của người đảng viên, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Bình còn luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các tập tục lạc hậu”.

Vươn lên phát triển kinh tế gia đình trên vùng đất núi đá đầy gian khó, đảng viên Ly Mí Bình đã tiếp thêm động lực để đồng bào dân tộc Mông ở thôn Cho Do nói riêng, xã Cán Chu Phìn nói chung tự tin hơn khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chăn nuôi để từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Bài và ảnh: HÀ LINH