Chúng tôi hẹn gặp Y Puyên Niê tại Nhà văn hóa xã Cư Pui sau khi anh đi làm rẫy về. Chàng trai Ê Đê sinh năm 1986 với làn da bánh mật, đôi mắt sáng và còn nguyên nét rắn rỏi, cương nghị của một quân nhân từng tham gia nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3). Xuất ngũ năm 2009, Y Puyên Niê đăng ký nhập học vào Trường Trung cấp Đam San (nay là Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên) chuyên ngành quản lý văn hóa. Có năng khiếu về âm nhạc, lại được sự chỉ dẫn của ama (bố) từ khi còn nhỏ, Y Puyên Niê đã có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau của người Ê Đê như: Cồng chiêng, trống cái (h’gơr), đing năm, đing puốt, đàn brố, đàn môi...

leftcenterrightdel
  Y Puyên Niê thổi đing puốt.

Theo Y Puyên Niê, nhạc cụ của người Ê Đê đều có cái “hồn” riêng và mỗi loại lại phục vụ cho mục đích khác nhau. Ví dụ như kèn đing năm (kèn bầu 6 ống), “năm” theo tiếng Ê Đê có nghĩa là 6, “đing” (hay đinh) là ống sáo. Đing năm gồm 6 ống nứa ngắn, dài khác nhau, xếp thành 2 bè, mỗi bè 3 ống cắm vào thân quả bầu khô. Thân ống nứa được khoét các lỗ để tạo thành âm thanh. Người thổi bấm ngón tay kết hợp hơi thổi ra, phát thành âm thanh theo các nốt nhạc cơ bản: Đồ-rê-mi-fa-sol-la. Đing năm được thổi độc tấu hoặc đàn ông thổi đệm cho phụ nữ hát điệu hát Eirei trong những dịp quan trọng như lễ hội (cồng chiêng, cúng bến nước, cầu mưa) hoặc khi gia đình có tang lễ. Tiếng kèn đing năm được sáng tạo theo tâm trạng của người thổi, không cần phải theo khuôn bài hát có sẵn.

Từ khi phụ trách Đài Truyền thanh xã, Y Puyên Niê đã nghĩ tới việc phải tìm cách gìn giữ văn hóa Ê Đê. Anh báo cáo chính quyền xã cho mình được tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, sáo, đàn cho mọi người, nhất là các em nhỏ và được ủng hộ. Y Puyên Niê cũng thường xuyên đọc các bài báo với nội dung về bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Anh chia sẻ: “Ban đầu mình nghĩ chỉ cần dạy vài em nhỏ biết đánh cồng chiêng và thổi sáo rồi các em khác sẽ tập cùng. Nhưng bây giờ có nhiều hình thức giải trí hấp dẫn các em hơn nên cũng rất khó. Mình phải báo cáo lãnh đạo, tìm cách vận động các gia đình để người lớn và trẻ em cùng tập. Nếu lâu ngày mọi người không tập thổi sáo, đánh đàn, đánh chiêng thì văn hóa Ê Đê sẽ mai một mất”.

Ngoài việc hướng dẫn cho bà con đánh cồng chiêng, chơi đàn, thổi sáo, Y Puyên Niê còn chế tác và sửa chữa các loại nhạc cụ. Trong đó, các loại sáo, đàn goong (loại đàn 6 dây của người Ê Đê, Gia Rai, Ba Na), đàn dây brố là những loại nhạc cụ anh dành nhiều thời gian hơn cả. Bởi đối với anh, chúng là biểu trưng rõ nhất của văn hóa Ê Đê.

Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho hay: “Xã luôn hoan nghênh, động viên và hỗ trợ anh Y Puyên Niê trong dạy học nhạc cụ, đặc biệt là cồng chiêng. Những việc anh làm cùng địa phương đã góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống. Y Puyên Niê còn tham gia tích cực cùng đội chiêng của buôn Phung và tổ chức luyện tập hằng tuần để biểu diễn vào dịp Tết hoặc trong các lễ hội truyền thống. Mỗi khi có lễ hội, anh đều đảm nhiệm chức trách đạo diễn chương trình rất nhiệt tình và trách nhiệm”.

Y Puyên Niê là một người con Ê Đê có tâm huyết giữ gìn, chế tác và sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình. Hành trang mỗi khi ra đường của Y Puyên Niê bao giờ cũng có cây sáo hay chiếc đàn môi. Khi nghỉ ngơi trên rẫy, Y Puyên Niê lại cầm cây đing puốt thổi những giai điệu khoáng đạt như tâm hồn người Ê Đê giữa đại ngàn.

Bài và ảnh: LÊ HIẾU