Họ không chỉ còn là những người giữ gìn truyền thống, mà giờ đây, họ đang tự mình mở ra con đường mới, con đường khởi nghiệp, sáng tạo để đưa văn hóa Mông vươn ra ngoài biên giới. Trong số đó, Vừ Thị Hà - cô gái người Mông 25 tuổi đã trở thành biểu tượng cho sự mạnh mẽ, kiên cường của người phụ nữ nơi vùng cao này.

Vừ Thị Hà - cô gái người Mông trở thành biểu tượng cho sự mạnh mẽ, kiên cường của người phụ nữ nơi vùng cao.

Bước đi từ truyền thống đến đổi mới

Sinh ra và lớn lên tại thôn Vần Chải B (xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, Hà Giang), Vừ Thị Hà từ nhỏ đã gắn bó với những tấm vải lanh do bà và mẹ dệt. Nghề dệt lanh không chỉ là một công việc, nó là linh hồn của người phụ nữ Mông, là biểu tượng văn hóa truyền thống không thể thiếu. 

Nhưng với Hà, những tấm vải lanh không chỉ đơn giản là những mảnh vải nhuốm màu của quá khứ, cô nhìn thấy ở đó tiềm năng để khởi nghiệp và thay đổi cuộc sống của chính mình và những người phụ nữ xung quanh.

Câu chuyện của Hà bắt đầu từ ngày cô quyết định không chỉ là một cô gái Mông chăm con, làm nương mà còn muốn thay đổi số phận. 

Cô tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp lớp 12 và kết hôn, Hà cảm thấy cuộc sống của mình đã đi theo lối mòn như bao phụ nữ khác trong thôn. Nhưng một lần tình cờ, khi tiếp xúc với khách du lịch, tôi nhận ra rằng văn hóa của dân tộc mình là một kho báu quý giá mà ít ai biết đến. Từ đó, tôi bắt đầu ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với những sản phẩm dệt lanh, mang đậm bản sắc Mông, để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước”.

Bắt đầu con đường khởi nghiệp, Hà nhanh chóng nhận ra rằng đó không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Với vai trò là tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm của thôn Vần Chải B, Hà phải đối diện với hàng loạt thử thách lớn lao. 

Cô cho biết, tỷ lệ phụ nữ mù chữ tại thôn rất cao, lên đến 70% nên việc thuyết phục chị em tham gia sản xuất, học hỏi kỹ năng mới gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhiều chị em chưa từng biết đến mẫu mã, thậm chí chưa bao giờ làm quen với việc sản xuất hàng hóa để bán.

Những khó khăn càng chồng chất khi nguồn vốn của tổ hợp tác rất hạn chế, sản phẩm chưa đa dạng và phải cạnh tranh với những hợp tác xã lớn khác đã có uy tín. 

“Đã có những lúc tôi cảm thấy nản lòng” - cô nói. 

Với tư duy sáng tạo và kiên định, cô bắt đầu nghĩ cách làm mới những sản phẩm truyền thống. Cô kết hợp kỹ thuật thêu dệt lanh truyền thống với những hình ảnh độc đáo, như người phụ nữ Mông làm nương, cậu bé thổi sáo giữa núi đồi. 

Các chị em trong thôn còn tạo ra các họa tiết bằng sáp ong trên tấm vải lanh, biến những sản phẩm thủ công thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa giữ được nét truyền thống, vừa mang hơi thở mới.

Du khách nước ngoài trải nghiệm trực tiếp khi tham gia vào quá trình dệt lanh, khám phá cuộc sống của người Mông.

Cạnh tranh và khẳng định bản thân

Hành trình khởi nghiệp không chỉ là sự thử thách về mặt tài chính và tay nghề, mà còn là cuộc cạnh tranh khốc liệt với các hợp tác xã lớn có quy mô và kinh nghiệm lâu năm hơn. 

Tuy nhiên, Hà không hề e ngại. Cô tin rằng sản phẩm của mình, với giá trị văn hóa độc đáo và sự chăm chút tỉ mỉ, sẽ có chỗ đứng riêng. 

"Khách hàng không chỉ mua một sản phẩm thủ công, họ còn mua cả một câu chuyện, một phần của cuộc sống người Mông”, Vừ Thị Hà chia sẻ.

Hà đã chứng minh điều này khi sản phẩm của cô dần được du khách biết đến. Những chiếc túi xách, khăn, váy từ vải lanh do tổ hợp tác của cô sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách mà còn trở thành món quà lưu niệm chứa đựng câu chuyện về vùng đất Hà Giang. Điều này không chỉ giúp cô giữ vững sự tự tin mà còn tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục mở rộng quy mô và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới.

Trong quá trình phát triển Tổ hợp tác, Hà nhận ra rằng, thách thức lớn nhất không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở chính con người. Đào tạo chị em phụ nữ chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là với những người chưa biết chữ và chưa từng tiếp xúc với thương mại. Hà phải vừa làm vừa học, từ việc truyền đạt kiến thức về kỹ năng sản xuất, bán hàng, đến cả việc đào tạo ngôn ngữ.

“Mọi người không chỉ cần biết cách làm ra sản phẩm mà còn phải biết cách giới thiệu, bán hàng cho du khách”, Hà cho biết thêm. 

Khó khăn càng lớn hơn khi khách hàng chủ yếu là du khách quốc tế, đa số từ châu Âu, khiến cho các thành viên trong Tổ hợp tác phải học thêm cả tiếng Anh, dù phần lớn chị em còn chưa thông thạo tiếng Việt.

Không chỉ dừng lại ở việc dệt lanh và bán sản phẩm cho du khách, Vừ Thị Hà còn mơ ước biến thôn Vần Chải trở thành một làng nghề trải nghiệm, nơi du khách có thể trực tiếp tham gia vào quá trình dệt lanh, khám phá cuộc sống của người Mông. Cô mong muốn tạo ra một không gian mà ở đó, du khách không chỉ nhìn thấy sản phẩm hoàn thiện mà còn hiểu rõ hơn về công việc cần mẫn của những người phụ nữ vùng cao.

Hà cũng dự định kết hợp các hoạt động văn hóa như trò chơi dân gian, điệu múa truyền thống vào các tour du lịch. Mô hình này không chỉ giúp phát triển du lịch bền vững mà còn mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ Mông, giúp họ có cơ hội phát triển kinh tế mà không phải rời xa quê hương.

Vừ Thị Hà luôn mong muốn câu chuyện của cô sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ vùng cao khác. Cô bày tỏ: “Tôi muốn nhắn nhủ với các chị em rằng, đừng sợ thay đổi. Chỉ cần chúng ta có niềm tin và quyết tâm, không gì là không thể”.

Dự án “Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm, thôn Vần Chải B” của Hà không chỉ đạt được thành công về kinh tế mà còn đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” khu vực miền Bắc. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của cô gái trẻ, cũng là niềm tự hào của phụ nữ Mông nơi cao nguyên đá Đồng Văn.

Nhìn lại hành trình đã qua, Vừ Thị Hà không khỏi xúc động và tự hào. Nhưng đối với cô, đây mới chỉ là sự khởi đầu, mong muốn trong tương lai Hà sẽ tiếp tục mở rộng Tổ hợp tác, giúp nhiều chị em phụ nữ vùng cao có cơ hội làm việc và phát triển. Cô cũng hy vọng những sản phẩm dệt lanh của mình sẽ không chỉ dừng lại ở việc phục vụ khách du lịch mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài, đưa văn hóa Mông đến với bạn bè quốc tế.

Với niềm tin vững chắc vào khả năng của mình và sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang, Vừ Thị Hà đang ngày càng tiến xa hơn trên con đường khởi nghiệp và sáng tạo, trở thành một biểu tượng của phụ nữ vùng cao trong thời đại mới.

KHÁNH NGÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.