Trong những năm qua, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín), các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái luôn coi trọng và quan tâm xây dựng người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhất là trong vùng đồng bào DTTS; triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chính sách đối với người có uy tín. Hằng năm, tỉnh đều ban hành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng...

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân là người có uy tín tiêu biểu. Ảnh minh họa: Ubmttq.yenbai.gov.vn 

Trước sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát huy tốt vai trò của mình, góp mặt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực vận động nhân dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế.

Trước đây, đồng bào vùng cao tỉnh Yên Bái chủ yếu chỉ biết phát nương làm rẫy, thả rông gia súc... thì giờ đây các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao không ngừng gia tăng về diện tích và sản lượng, như: Cây tre Bát Độ, cây dâu tằm ở Trấn Yên, cây quế Văn Yên, nuôi cá lồng ở hồ Thác Bà... đang trở thành những vùng sản xuất hàng hóa quan trọng của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 191 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 4 sao. Để có được kết quả đó là cả một quá trình tuyên truyền, vận động bền bỉ thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nhân dân và những người có uy tín chính là nhân tố vô cùng quan trọng tạo ra sự đổi thay đó, bởi bằng những lời nói, hành động cụ thể, họ vừa là những người tuyên truyền, vừa là những người đi tiên phong làm trước để bà con học tập, làm theo.

Trong vấn đề an sinh xã hội, người có uy tín đã làm tốt công tác động viên, chia sẻ, kết nối các mạnh thường quân, huy động nhân lực, vật lực tại chỗ hỗ trợ những gia đình khó khăn, qua đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Yên Bái giảm còn 5,15%, nâng chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 62,57%. Đồng thời, nhiều người có uy tín đã phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; sưu tầm, truyền dạy con cháu và cộng đồng chữ viết của dân tộc mình, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, nghề truyền thống...

Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ đội ngũ người có uy tín, tăng cường thông tin, biểu dương, khen thưởng, thăm hỏi đối với người có uy tín... qua đó góp phần phát huy tốt hơn nữa vai trò của người có uy tín trong công tác vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

HOÀNG VIỆT MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.