Với mô hình tổ hợp tác, bà con sẽ giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau tạo nên thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ mô hình này, tại Tân Lạc đã dần xóa bỏ cách thức làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, bà con các dân tộc nơi đây cùng vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, Tân Lạc có diện tích tự nhiên hơn 520km2, trong đó khoảng 80% là rừng núi, đất nông nghiệp chỉ chiếm 14,2% nên cuộc sống từ bao đời nay của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, kể từ khi phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thành lập các tổ hợp tác thì cuộc sống của bà con dần thay đổi.
 |
Ảnh minh họa: hoabinh.gov.vn |
Tại xã Nhân Mỹ, trước đây nghề nuôi ong chỉ mang tính tự phát, manh mún trong các gia đình, nhưng từ khi những tổ hợp tác nuôi ong đã được thành lập, người nuôi ong ở đây đã cùng liên kết lại, hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trước đây, nhiều người cho rằng, nuôi ong là công việc đơn giản, có thể dựa vào kinh nghiệm của cha ông truyền lại, tuy nhiên, để phát triển thành các tổ, nhóm hợp tác chuyên nghiệp thì cần phải áp dụng kỹ thuật, hướng tới các sản phẩm sạch, đạt chất lượng.
Anh Bùi Văn Sửu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Mỹ cho biết: “Từ khi xã Nhân Mỹ thành lập mô hình tổ hợp tác, chúng tôi đã chủ động liên hệ với các trung tâm dạy nghề để tổ chức các lớp dạy nghề nuôi ong, nuôi cá, nuôi bò... cho người dân. Qua những lớp dạy nghề đã giúp cho hội viên trong các tổ hợp tác nắm được quy trình chăn nuôi. Ngoài ra, để tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, Hội Nông dân xã cũng đã đề nghị cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho tổ viên để phát triển sản xuất”.
Còn tại xã Quyết Chiến, từ các tổ hợp tác trồng su su, rau trái vụ, đến nay, bà con đã thành lập Hợp tác xã Quyết Chiến. Trước đây, bà con nhân dân ở xã Quyết Chiến chỉ gắn liền với cây ngô, cây lúa, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân từ đó cũng rất khó khăn. Năm 2008, với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang rau su su thì cuộc sống đã thay đổi, khởi sắc lên rất nhiều. Anh Bùi Văn Hoàng, một hộ dân trồng su su ở xã Quyết Chiến cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 8.000m2 trồng su su. Nếu tính về năng suất thì cây su su cho thu nhập cao hơn hẳn các loại cây trồng khác. Trước đây, gia đình tôi trồng ngô, nhưng nguồn thu không được ổn định, từ khi chuyển đổi sang trồng cây su su thì cho thu nhập quanh năm, từ đó nguồn thu của gia đình được cải thiện đáng kể”.
Thời gian đầu, ở xã Quyết Chiến chỉ có ít gia đình tham gia trồng su su và thành lập tổ hợp tác, nhưng với khí hậu thuận lợi, bà con chỉ cần trồng một lần là cho thu hoạch từ 2 đến 3 năm. Đặc biệt, mỗi năm lợi nhuận thu về từ cây su su khoảng 80-120 triệu đồng/ha, ngày càng có nhiều người dân tham gia trồng su su, từ đó tạo tiền đề để tổ hợp tác lớn mạnh hơn và thành hợp tác xã với hơn 50 thành viên. Ngoài việc hướng tới trồng rau an toàn, Hợp tác xã Quyết Chiến còn áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng rau trái vụ, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân.
Có thể nói, tại Tân Lạc, tổ hợp tác chính là “bà đỡ” cho kinh tế hộ gia đình, từng bước cải thiện đời sống nông dân, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là nguồn để phát triển lên hợp tác xã kiểu mới, bảo đảm cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
TUỆ ĐĂNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.