Đặc sắc múa khèn Mông
Dân tộc Mông tại Mèo Vạc chiếm hơn 78% dân số, có bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Điệu múa của họ là những động tác nhảy khèn mạnh mẽ, uyển chuyển; trong những dịp lễ hội, tết đến, xuân về đối với dân tộc Mông không thể thiếu tiếng khèn cùng với những trò chơi dân gian. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.
 |
Các bài biểu diễn múa khèn Mông có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. |
 |
Đôi bạn trẻ người dân tộc Mông huyện Mèo Vạc tham gia múa khèn.
|
Các bài biểu diễn múa khèn bao giờ cũng có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau.
Múa trống - Nét văn hóa độc đáo của người Giáy
Đồng bào dân tộc Giáy ở huyện Mèo Vạc sinh sống chủ yếu tại thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà. Múa trống là hoạt động văn hóa được người Giáy được lưu giữ, truyền thụ qua các thế hệ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Bao đời nay, múa trống không chỉ được coi là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn là niềm tự hào của đồng bào nơi đây.
 |
Điệu múa trống của người Giáy có sự tham gia của cả nam và nữ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. |
Theo chia sẻ những bà con, nói đến múa trống, ngay cả những già làng ở thôn cũng không nhớ nổi có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, tại thôn Tát Ngà - nơi tập trung người Giáy đông nhất, từ rất lâu người dân đã xây dựng hai ngôi miếu đặt tên Miếu Ông và Miếu Bà. Đây không chỉ là nơi để người dân đến thắp hương cầu xin những điều tốt lành mà đó còn là nơi để treo hai chiếc trống đại. Cứ mỗi năm một lần, hai chiếc trống được hạ xuống vào đúng ngày mồng 1 Tết.
Nét đặc biệt của múa trống là sự kết hợp hài hòa giữa các động tác của nam và nữ. Những chàng trai, cô gái người Giáy xúng xính trong bộ trang phục truyền thống múa vòng tròn quanh chiếc trống, sau đó lại múa từng đôi một. Những điệu múa lúc dịu dàng, nhẹ nhàng, lúc lại rộn rã gấp gấp theo từng hồi trống. Các chàng trai thường gõ vào mặt trống, các cô gái thì gỗ vào tang trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, đến với mọi người.
 |
Điệu múa trống của người Giáy có sự tham gia của cả nam và nữ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. |
 |
Những chàng trai, cô gái người Giáy xúng xính trong bộ trang phục truyền thống múa vòng tròn quanh chiếc trống, sau đó lại múa từng đôi một. |
Theo chị Nùng Thị Mình, Phó chủ tịch UBND xã Tát Ngà, với chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có múa trống của dân tộc Giáy; thôn Tát Ngà đã thành lập đội văn nghệ là những nghệ nhân trong thôn. Đội văn nghệ này không chỉ biểu diễn tại trên địa bàn xã mà còn tham gia biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện văn hóa trên địa bàn tỉnh; qua đó, vừa góp phần bảo tồn cũng như quảng bá văn hóa dân tộc Giáy đến với người dân và du khách.
 |
Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân tại Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai năm 2025 tại xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang). |
Ngoài ra, Mèo Vạc còn có nhiều loại hình múa, hát dân gian đặc sắc, như: Múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô; múa khăn, múa nón của dân tộc Giáy; hát dân ca dân tộc Nùng; hát đối giao duyên dân tộc Giáy, Nùng…
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Trong hướng phát triển du lịch, hàng năm huyện Mèo Vạc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc; chú trọng xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với bản sắc của từng dân tộc; khuyến khích các địa phương thành lập đội văn nghệ để biểu diễn, phục vụ du khách; đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn; mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống, khuyến khích các nghệ nhân tham gia biểu diễn, truyền dạy cho thế hệ trẻ,… Qua đó, không chỉ góp phần bảo tồn mà còn quảng bá, thu hút du khách đến với địa phương, đồng thời tạo sinh kế cho người dân”.
Bài, ảnh: HÀ LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.