 |
Học viên xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (Đắk Nông) tham gia lớp học nấu ăn.
|
Qua tìm hiểu được biết, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hiện có 9 thôn, dân số hơn 1.800 hộ, với hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 95% dân số toàn xã, chủ yếu đồng bào dân tộc phía Bắc di cư đến, như: Thái, Tày, Nùng. Thời gian qua, xã Nam Xuân đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các khóa đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người dân địa phương. Trong đó, nghề kỹ thuật chế biến món ăn và nghề trồng trọt, bảo vệ thực vật được đông đảo người dân xã Nam Xuân lựa chọn.
Nhờ học nghề kỹ thuật nấu ăn, chị Lan Thị Việt ở xã Nam Xuân xin được làm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn trên địa bàn xã. Làm việc ngay tại địa phương, chị Lan Thị Việt còn có điều kiện tranh thủ thời gian giải quyết công việc gia đình, thăm nom nương rẫy. Chị Việt chia sẻ: “Tham gia lớp học nấu ăn, ban đầu tôi chỉ nghĩ để gia đình có bữa cơm tươm tất hơn và có cơ hội tìm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sau 3 tháng học lý thuyết và thực hành trên lớp, tôi đã có kỹ năng chế biến, trình bày món ăn. Tôi may mắn xin được việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn tại xã Nam Xuân. Từ công việc này gia đình tôi có thêm khoản thu nhập tương đối ổn định, cải thiện cuộc sống.”.
Không chỉ nghề nấu ăn, học nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật cũng giúp lao động nông thôn xã Nam Xuân ứng dụng kiến thức và khoa học kỹ thuật vào thực tế một cách hiệu quả, nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập. Trong đó, có thể kể đến trường hợp chị Nguyễn Thị Lực và 27 học viên xã Nam Xuân đã biết đưa khoa học vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sau khi hoàn thành khóa học nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Chị Lực cho biết: Tham gia lớp học nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật, các học viên được trang bị kiến thức phục vụ sản xuất và áp dụng kiến thức vào thực tế, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Bà con đồng bào DTTS ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật giúp bà con có kiến thức, kỹ thuật để sản xuất hiệu quả hơn, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ kết quả đã đạt được trong thực tế, đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Nùng trên địa bàn xã Nam Xuân mong muốn học nghề đề phát triển kinh tế gia đình.
 |
Nông thôn xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (Đắk Nông) khởi sắc.
|
Đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70% trở lên, xã Nam Xuân đã quan tâm nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động. Đào tạo nguồn lao động nông thôn phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động, góp phần tích cực giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025) về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2022-2024, xã Nam Xuân có 190 lao động được đào tạo nghề kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật và nấu ăn. Các lớp đào tạo nghề nghiệp đã giúp đời sống của người dân xã Nam Xuân không ngừng được cải thiện, các phong trào thi đua được giữ vững.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Quốc Nhất, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết: "Mấy năm vừa qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô phối hợp với xã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu là lao động người DTTS. Các lớp đào tạo nghề đã bổ sung nhiều kiến thức cho người lao động, mở ra nhiều cơ hội cho người dân có việc làm, thu nhập ổn. Đối với nghề nấu ăn hay sửa chữa máy móc, có chứng chỉ trong tay, người lao động đi xin việc được ưu tiên tuyển chọn hơn. Đối với nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật, bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, hiệu quả lao động cao hơn".
Có thể khẳng định, khi được đào tạo nâng cao tay nghề thì người lao động nông thôn, nhất là đồng bào vùng DTTS, có nhiều cơ hội hơn khi tìm việc làm, năng suất hiệu quả lao động cũng được nâng cao, đời sống kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.