Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngân Thanh Hải, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông khẳng định: Một trong những kết quả nổi bật trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có thể kể đến việc thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2022-2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô mở 20 lớp đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên với hơn 600 học viên.

Sau khi học nghề, ông Đặng Văn Hải (bên phải) ở xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã sửa chữa được máy nông nghiệp.

Bám sát nhu cầu từ thực tế, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô đã đào tạo đa dạng ngành nghề như: Nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt vào bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng chăm sóc cạo mủ cao su. Thông qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất, giúp giảm được chi phí, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Từ kiến thức đào tạo, không ít người có được việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống.

Tìm hiểu thực tế tại xã Nâm N’đir cho thấy: Nâm N’đir là địa phương có số học viên tham gia các lớp đào tạo nghề đông nhất nhì huyện Krông Nô với 274 học viên lao động nông thôn. Bám sát nhu cầu thực tế, người lao động xã Nâm N’đir chọn học các nghề nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp. Nhiều lao động sau khi học nghề đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.

Đơn cử như ông Đặng Văn Hải ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir, sau khi tham gia khóa đào tạo nghề đã tự sửa chữa được các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất trong gia đình và người dân quanh khu vực. Ông Hải cho biết: “Trước đây gia đình có chiếc máy cày để làm đất trồng lúa, trồng khoai. Chiếc máy cày liên tục bị hỏng nên nhiều lần tôi phải thuê một chiếc xe tải cỡ lớn để chở máy ra trung tâm huyện để sửa với chi phí rất tốn kém. Quyết tâm học nghề sửa chữa, sau 3 tháng theo học, bản thân tôi đã nắm bắt được nguyên lý hoạt động của máy, có thể sửa chữa một số lỗi trong quá trình làm việc”. Học nghề sửa chữa máy nông nghiệp không chỉ ông Hải và nhiều người lao động khác xã Nâm N’đir giải quyết được khó khăn về kỹ thuật, phương tiện sản xuất ngay tại chỗ, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

 Khai giảng lớp đào tạo nghề làm du lịch cộng đồng năm 2023 của huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Tương tự tại xã Nam Xuân cũng là địa phương có nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề, giải quyết việc làm từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025). Trong 3 năm, từ 2022 đến 2024, xã Nam Xuân có 190 lao động được đào tạo nghề kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật và nấu ăn. Từ việc được học nghề, không ít lao động đã có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống. Qua lớp đào tạo nghề nấu ăn, chị Lò Thị Chung ở xã Nam Xuân xin được làm phụ bếp cho một dịch vụ nấu ăn phục vụ các đám tiệc trên địa bàn xã. Làm việc tại địa phương, chị tranh thủ thời gian làm việc nhà, thăm nom nương rẫy. Từ công việc này gia đình chị có thêm khoản thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô, tham gia học nghề, các học viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu, kết hợp lý thuyết và thực hành. Nhờ đó, học viên không chỉ nắm vững kiến lý thuyết mà còn thành tạo kỹ năng nghề, vận dụng ngay vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế.

Đồng chí Ngân Thanh Hải, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Krông Nô cho biết: “Thời gian qua, huyện Krông Nô rất chú trọng việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, huyện mở nhiều lớp đào tạo cho hàng trăm lao động học các nhóm nghề phù hợp với đặc điểm địa phương. Căn cứ theo nhu cầu, trình độ của đối tượng thụ hưởng, huyện tổ chức đào tạo những nghề phù hợp, giúp người học có tăng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đồng thời, giúp người lao động thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động. Đây cũng là tiền đề tăng khả năng tự tạo việc làm, tăng thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS.

Có thể nói, việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn đã nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Bài, ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH