Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, cơ sở nào để năm 2019 Huyện ủy Krông Ana ban hành Nghị quyết 07?

 Đồng chí Nguyễn Kính, Bí thư Huyện ủy Krông Ana. Ảnh: BÌNH ĐỊNH

Đồng chí Nguyễn Kính: Tháng 9-1981, huyện Krông Ana được thành lập. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 22.000 hộ với hơn 100.000 nhân khẩu thuộc 30 dân tộc anh em, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 30%. Đã hơn 42 năm thành lập, nhưng do tiềm lực hạn chế nên Krông Ana vẫn thuộc diện chậm phát triển, đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thời điểm năm 2019, toàn huyện còn 1.561 hộ nghèo, trong đó có 840 hộ là người DTTS (chiếm hơn 50%)... Vì vậy, Huyện ủy Krông Ana đã ban hành Nghị quyết 07 nhằm tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS.

PV: Nghị quyết 07 đã đi vào thực tiễn cuộc sống như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Kính: Sau khi Nghị quyết 07 được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức quán triệt, triển khai bằng những việc làm cụ thể, như mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực và trách nhiệm cộng đồng cho đội ngũ cán bộ, cấp ủy, ban tự quản các buôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS, đội ngũ nòng cốt và những hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được thụ hưởng từ chương trình của Nghị quyết 07. Mỗi năm, ngân sách huyện đầu tư 1,5-2 tỷ đồng cho các mô hình phát triển kinh tế-xã hội ở các buôn làng đồng bào DTTS... 

Nội dung quan trọng nhất theo tinh thần Nghị quyết 07 là việc đầu tư, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế. Thời gian qua, huyện Krông Ana đã hỗ trợ các mô hình tổ hợp tác may mặc, tổ hợp tác xây dựng; mô hình trồng lúa nước vụ đông xuân theo hướng an toàn... Nghị quyết 07 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của người dân, đó là cán bộ, chính quyền trao “cần câu”, bà con phải nỗ lực “câu cá”... Đã có một số mô hình phát huy hiệu quả, như tổ hợp tác xây dựng và mô hình tái canh cây cà phê xen canh cây sầu riêng. Theo đó, huyện Krông Ana đã cấp 16.848 cây cà phê, 1.616 cây sầu riêng và vật tư nông nghiệp cho 29 hộ đồng bào DTTS nghèo tại 4 buôn thuộc các xã: Dray Sáp, Ea Bông, Băng Adrênh, Dur Kmăl để tái canh với diện tích 13,2ha. Thành công lớn nhất đến thời điểm này là Nghị quyết 07 triển khai đến đâu đều đạt hiệu quả đến đó. Nhờ vậy, qua hơn 4 năm thực hiện nghị quyết, đã có 156 hộ DTTS, chủ yếu là đồng bào Ê Đê thoát nghèo.

Lớp học nâng cao tay nghề xây dựng cho thành viên tổ hợp tác xây dựng ở huyện Krông Ana. Ảnh: BÌNH ĐỊNH

PV: Thưa đồng chí, từ nay đến năm 2025, Huyện ủy Krông Ana xác định những mục tiêu gì trong thực hiện Nghị quyết 07?

Đồng chí Nguyễn Kính: Với nguồn ngân sách đầu tư hằng năm 1,5-2 tỷ đồng, huyện Krông Ana sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ DTTS nghèo phát triển kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và khả năng thực tế của người tham gia, như tái canh cây cà phê xen canh cây sầu riêng, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái; duy trì những mô hình: Tổ hợp tác xây dựng, tổ hợp tác gò hàn, tổ hợp tác may mặc và tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Trong quá trình thực hiện, Huyện ủy Krông Ana sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn như gắn phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS thông qua các mô hình phát triển du lịch cộng đồng...

Đồng thời, gắn thực hiện Nghị quyết 07 với các chương trình mục tiêu khác, phấn đấu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Đến năm 2025 có 100% hộ nghèo DTTS được hỗ trợ sản xuất; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ DTTS nghèo; 100% hộ dân ở các buôn làng đồng bào DTTS được sử dụng điện và 98% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2025, các mô hình phát triển kinh tế-xã hội tại các buôn đều phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới và một số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

KIỀU BÌNH ĐỊNH (thực hiện)

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan