Đầu năm 2023, gia đình anh Ma Văn Lanh (dân tộc Tày), ở xóm Nà Ngà, xã Vĩnh Quang, vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bảo Lâm. Có tiền, gia đình anh đã mua 10 con trâu để chăn nuôi. Để chăm sóc tốt đàn trâu, gia đình anh đã tập chung trồng cỏ, chăm sóc theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện, cán bộ thú y xã, thôn. Hiện nay, đàn trâu gia đình anh Lanh đang phát triển tốt. Quay vòng sản xuất, chăn nuôi gối đàn, gia đình anh đã xuất bán 5 con trâu, mỗi con lãi khoảng 5-10 triệu đồng, thu lãi về hơn 40 triệu đồng. Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, đời sống vật chất của gia đình anh Lanh không ngừng được cải thiện, nhờ đó, gia đình anh đã thoát khỏi hộ nghèo.
 |
Đồng chí Phạm Tuấn Hưng, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn tại gia đình anh Ma Văn Lanh, xóm Nà Ngà, xã Vĩnh Quang (Bảo Lâm, Cao Bằng).
|
Anh Lanh chia sẻ: “Trước tôi cũng muốn tập trung chăn nuôi, để phát triển kinh tế nhưng lại không có đủ vốn, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện đã giúp vợ chồng tôi tạo được việc làm. Có điều kiện phát triển kinh tế ngay tại quê hương”.
Không chỉ riêng gia đình anh Lanh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Lâm có việc làm ổn định và thu nhập khá tốt nhờ vốn vay từ NHCSXH huyện. Toàn xã Vĩnh Quang có hơn 1.000 hộ, hơn 5.200 nhân khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 99,8%. Tỷ lệ hộ nghèo cao với 455 hộ, chiếm 44,65%; hộ cận nghèo 315 hộ, chiếm tỷ lệ 31,5% tổng số hộ dân. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, Lường Thị Mần cho biết: Trước đây đời sống của người dân địa phương khó khăn quanh năm vì thiếu vốn phát triển. Để người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế, chính quyền xã phối hợp với NHCSXH huyện, đồng thời chỉ đạo các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác biết và thực hiện.
Tính đến tháng 11-2023, tổng dự nợ đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của xã Vĩnh Quang hơn 5,5 tỷ đồng, qua đó tạo việc làm mới cho 57 lao động địa phương. Đối với vốn vay dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, dư nợ đạt hơn 2,3 tỷ đồng, tăng hơn 1,1 tỷ đồng so với năm 2022. Nhờ đó, có 29 hộ nghèo được xây dựng, sửa chữa nhà ở, chuyển đổi nghề; xây dựng 18 công trình nước sạch vệ sinh…
 |
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn có thêm cơ hội phát triển kinh tế. |
Là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 175km, có hơn 13.700 hộ, với 66.000 nhân khẩu, 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 51,64%. Tổng số hộ nghèo 6.380 hộ, chiếm 49,08%, hộ cận nghèo 3.568 hộ, chiếm 27,45%.
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng số nguồn vốn huyện Bảo Lâm được phân bổ thuộc các Chương trình, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 500 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 9,5 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 2 tỷ đồng. Chương trình đã huy động được tổng hợp các nguồn lực để thực hiện, bao gồm cả nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức, cá nhân, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống người dân; hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Trong đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lâm đã tích cực vào cuộc trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm; đến hết ngày 24-11-2023 tổng dư nợ toàn huyện hơn 425,7 tỷ đồng, tăng hơn 66 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh số cho vay 11 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 133 tỷ đồng. Các nội dung nguồn vốn vay được triển khai như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28…
 |
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) họp đánh giá hiệu quả nguồn vốn vay.
|
Ông Nguyễn Hữu Điệp, Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lâm cho biết: “Để phát huy hiệu quả nguồn vốn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, thời gian tới NHCSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chế độ chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn vay, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nghèo để họ có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ…”.
Xác định vốn vay từ Chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, NHCSXH huyện Bảo Lâm triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình vay vốn đến 22 điểm giao dịch xã trên địa bàn huyện; vừa làm tăng cơ hội tiếp cận, vừa giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân. Qua đó, đã tạo được niềm tin của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bài, ảnh: HÀ LINH – LÃNH TRỌNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan