Giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững bước sang giai đoạn mới, chuẩn nghèo đa chiều được nâng lên, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tăng trên cả nước, đặc biệt là số hộ nghèo trong vùng đồng bào các dân tộc. Với mục tiêu giảm nhanh số hộ nghèo, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ bà con thoát nghèo, mà trọng tâm là hỗ trợ nhà ở để bà con yên tâm lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững.

leftcenterrightdel
Lễ hội Katê của đồng bào người Chăm. Ảnh: Pandanus Resort 

Làng Chăm Châu Phong ở thị xã Tân Châu là làng Chăm lớn nhất trong 9 làng Chăm ở tỉnh An Giang với hơn 500 hộ dân. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà con đi làm ăn xa trở về địa phương nhiều nên dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở. Từ thực tế đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Châu Phong đã kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để hỗ trợ làm nhà, giúp bà con vượt qua khó khăn. Như trường hợp anh Mohamad Ali, sau khi trở về từ TP Hồ Chí Minh, phải ở nhờ nhà người cậu ruột. Cả hai vợ chồng đều thất nghiệp, lại không có đất sản xuất nên ai thuê gì vợ chồng anh làm nấy để nuôi các con đang tuổi ăn học. Thấy hoàn cảnh khó khăn về nhà ở của anh Ali, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Chăm tỉnh An Giang đã kêu gọi các "mạnh thường quân" và bà con trong xóm hỗ trợ gia đình anh xây dựng căn nhà đại đoàn kết. Anh Mohamad Ali cho biết: “Khi nhận được thông tin gia đình được hỗ trợ làm nhà, tôi rất mừng. Có chỗ ở ổn định rồi, vợ chồng tôi sẽ tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy các con”.

Để giúp người dân có chỗ ở ổn định, trong năm 2022, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Chăm tỉnh An Giang đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, quyên góp xây dựng 8 căn nhà đại đoàn kết tặng người dân trên địa bàn. Những đóng góp của Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Chăm tỉnh An Giang đã tiếp thêm niềm tin, động lực giúp bà con có thêm điểm tựa phấn đấu vươn lên.

Còn ở tỉnh Trà Vinh, năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động từ các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở thờ tự, chức sắc tôn giáo được hơn 12 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo, trong đó phần lớn là xây dựng nhà đại đoàn kết và nhà tình thương tặng các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Bên cạnh các cơ quan, đoàn thể, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp của tỉnh Trà Vinh cũng đã tích cực chăm lo hộ nghèo, trong đó hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương nhằm giúp bà con phật tử an cư lạc nghiệp. Tại những vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống bà con Khmer còn nhiều khó khăn, các nhà sư là thành viên Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cũng đã góp sức hỗ trợ bà con được an cư lạc nghiệp. Như chùa Phnô Om Pung (xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú) từ năm 2020 đến nay đã xây dựng được 70 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết tặng các gia đình khó khăn.

Mỗi căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương xây tặng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở đều hướng tới sự động viên lớn lao, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển cuộc sống tốt hơn, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói, giảm nghèo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TUỆ ĐĂNG