Ông Mohamad cho biết: “Gia đình tôi 3 đời gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Để dệt được một sản phẩm thổ cẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Phần sợi cotton phải được nhuộm màu, sau đó đem phơi khô, tiếp đến là công đoạn suốt, mắc sợi, dệt, thành phẩm... Mỗi khâu đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ và mất nhiều thời gian, công sức mới cho ra được những sản phẩm chất lượng. Hiện nay, do công nghệ hiện đại nên việc sản xuất thổ cẩm tiện lợi, nhanh chóng hơn, nhưng tôi vẫn giữ nghề dệt truyền thống như một cách giữ gìn những giá trị văn hóa của người Chăm, dù cho sản phẩm có giá thành cao hơn so với dùng máy”.

leftcenterrightdel
 Ông Mohamad giới thiệu với du khách những sản phẩm thổ cẩm Châu Phong.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2000, ông Mohamad thành lập cơ sở dệt thổ cẩm Mohamach và huy động thợ làm tại chỗ hoặc gia công tại nhà. Ngoài hai sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở của ông còn sản xuất các mặt hàng mới như túi xách, ba lô, mũ, móc khóa... Đây là những mặt hàng được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách nước ngoài thường lựa chọn mua làm đồ lưu niệm khi đến tham quan làng nghề. Ngoài ra, từ việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, ông Mohamad còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập 100.000-150.000 đồng/người/ngày.

Bà Võ Thụy Ý Như, Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: “Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống của dân tộc Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm. Bên cạnh đó, trong những lần đón tiếp khách tham quan, ngoài giới thiệu sản phẩm, ông Mohamad còn giới thiệu về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang đến với du khách. Sự đổi mới, sáng tạo này đã góp phần thu hút du khách ngày một đông đến với làng nghề”.

Ngày 6-3-2023 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo đó nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào trong cộng đồng người Chăm ở An Giang.

Bài và ảnh: HỮU LỢI