Với những phụ nữ dân tộc Thái như bà Đinh Thị Việt ở bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, việc may vá, dệt thổ cẩm đã trở thành công việc quen thuộc không thể thiếu trong cuộc sống. Bà Việt chia sẻ: “Tôi biết làm các sản phẩm thổ cẩm như quần áo, khăn, chăn từ khi 14 tuổi. Nhiều năm gần đây, tôi bắt đầu bán các sản phẩm thổ cẩm tự làm cho người dân trong xã, trong huyện. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tôi đã tham gia Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm xã Quang Huy”.

leftcenterrightdel
Bà Đinh Thị Việt với nghề dệt vải thổ cẩm. 

Gian hàng nhỏ của chị Lò Thị Khướng ở bản Búc, xã Quang Huy cũng là thành viên của Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm. Chị Khướng chuyên nhận vải thổ cẩm từ các thành viên khác để gia công thành các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Thời gian vừa qua, công việc của chị bận rộn hơn bởi lượng khách đặt hàng dịp cuối năm khá lớn. Chị Khướng cho biết: “Tôi chuyên may những mặt hàng thổ cẩm của dân tộc Thái như đệm, gối, chăn để bán cho khách hàng ở các xã trong huyện và ở tỉnh khác khi có nhu cầu đặt hàng”.

Được thành lập từ năm 2018, Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm xã Quang Huy gồm có 30 thành viên, đều là các hội viên phụ nữ chuyên may, dệt thổ cẩm nhỏ, lẻ trên địa bàn xã. Tổ hoạt động theo hướng liên kết sản xuất từ khâu dệt vải, thêu, may sản phẩm hoàn chỉnh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Để có những sản phẩm vải thổ cẩm đẹp, bên cạnh việc lựa chọn, xử lý các loại bông, sợi tự nhiên thì sự khéo léo, tỉ mỉ từ đôi tay của người làm khi dệt từng mảnh vải, thêu những hoa văn tinh xảo, độc đáo cũng rất quan trọng. Vì vậy, các thành viên trong Tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nhau nâng cao tay nghề trong quá trình sản xuất.

Để quảng bá những mặt hàng thổ cẩm, Tổ thường tham gia trưng bày sản phẩm tại các ngày hội lớn của huyện hoặc giới thiệu qua các trang mạng xã hội, nhờ vậy mà được nhiều khách hàng ở ngoài tỉnh biết đến. Từ cuối năm 2021 đến nay, Tổ đã sản xuất được 200 cuộn vải thổ cẩm các loại, 50 cái chăn, 50 cái đệm, 500 cái gối và 300 cái ghế giúp mỗi hội viên có thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/tháng. Chị Cầm Thị Ngân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm xã Quang Huy, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên, hỗ trợ các thành viên trong Tổ có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn tín dụng phụ nữ, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng phát triển sản xuất. Từ đó không chỉ tạo thêm thu nhập, việc làm cho hội viên lúc nông nhàn mà còn để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc”.

Góp phần duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên là những kết quả đáng ghi nhận của Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng thổ cẩm xã Quang Huy. Song, để Tổ hoạt động hiệu quả, nâng cao tay nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ, định hướng của các cấp, các ngành để nghề dệt thổ cẩm xã Quang Huy phát triển, hướng tới trở thành làng nghề truyền thống của huyện Phù Yên.

Bài và ảnh: MAI HƯƠNG