Đã hơn 70 tuổi, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, bà Khấu Thị Phúc ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu lại ngồi bên khung cửi để dệt vải hay se sợi từ bông, bởi với những người ở thế hệ bà thì nghề dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào tiềm thức. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng đôi tay bà Phúc vẫn thoăn thoắt, bởi với bà, những việc làm này đã quen thuộc từ khi lên 10. Theo bà Phúc, khi còn nhỏ, bà thường theo mẹ lên nương trồng, hái bông. Lớn lên, bà bắt đầu học các bước để làm một tấm vải, thêu những hoa văn đơn giản và đến tuổi lấy chồng thì tự làm quần áo với họa tiết cầu kỳ. Quần áo truyền thống của dân tộc giờ đây chủ yếu chỉ sử dụng vào những dịp lễ, tết, nhưng bà vẫn luôn chỉ dạy cho con cháu các bước để dệt được một tấm vải đẹp như cách sử dụng con thoi, se tơ, trang trí bề mặt thổ cẩm...

leftcenterrightdel
 Phụ nữ dân tộc Tày ở xã Nam Mẫu (Ba Bể, Bắc Kạn) hằng ngày khôi phục, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. 

Trước đây, người Tày ở xã Nam Mẫu dệt các sản phẩm như trang phục, màn, vỏ chăn, rèm cửa, địu trẻ con, túi, giày vải... để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, hoặc để trao đổi theo phương thức vật đổi vật. Vì vậy, những sản phẩm từ dệt thủ công gắn bó với họ từ thuở lọt lòng đến khi từ giã cõi đời. Những năm gần đây, để giữ gìn nghề dệt truyền thống, những người lớn tuổi và chính quyền huyện Ba Bể thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho thế hệ trẻ về nghề dệt thổ cẩm.

Mới đây, huyện Ba Bể đã tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày tại xã Nam Mẫu với gần 50 học viên là người dân tộc Tày ở hai thôn Pác Ngòi, Bó Lù. Tham gia lớp tập huấn, học viên được các nghệ nhân truyền dạy các công đoạn để tạo nên tấm thổ cẩm như cán bông, kéo sợi, dệt vải, kỹ năng dệt trang trí các loại hoa văn... Đây là dịp để những người đam mê, tâm huyết có thể giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày và cũng là cách để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Nhạc ở thôn Pác Ngòi luôn tích cực tham gia các lớp truyền dạy của các bà, các mẹ. Chị Nhạc chia sẻ: “Là phụ nữ dân tộc Tày, bản thân tôi rất thích bộ trang phục dân tộc. Vì vậy, tôi nỗ lực học hỏi các công đoạn để làm trang phục truyền thống, tìm hiểu ý nghĩa của các họa tiết, hoa văn để đến đời con cháu sau này cũng không bị mai một”.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Tày mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tại địa phương, nhất là với Nam Mẫu-khu vực trọng điểm về phát triển du lịch cộng đồng của vùng hồ Ba Bể. Đồng thời, nghề dệt thổ cẩm cũng giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Bài và ảnh: LINH HÀ