Dọc theo các xóm đồng bào Chăm, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng mới, các tuyến đường đều được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, sinh hoạt.
Ông Haji Zacky, Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cho biết: “Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc Chăm đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nhờ đó mà đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cũng thay đổi tích cực”.
 |
Gia đình ông Mohamad ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm.
|
Đến xã Châu Phong (thị xã Tân Châu)-là xã có đông đồng bào Chăm sinh sống, có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở vùng quê này. Cả xã như được khoác lên mình tấm áo mới. Nhờ việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Nhà nước, nhất là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo “sức bật” cho địa phương.
Anh Mohamah Sa Lếh, Trưởng ấp Phũm Soài (xã Châu Phong) cho biết: “Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ nội bộ cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ du lịch, được du khách ưa chuộng. Hiện nay, ở ấp Phũm Soài không còn hộ nghèo, 100% trẻ em được đến trường... Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho cộng đồng người Chăm nơi đây”.
Đồng chí Chau Anne, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết: “Nhờ phát huy hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc nên đến nay hơn 85% hộ đồng bào Chăm có đời sống khá trở lên, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,2%, hộ cận nghèo còn 8,5% và 100% ấp, xã vùng đồng bào dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, có nước sạch sinh hoạt... Cùng với đó, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa. Nhờ đường sá đi lại thuận tiện, hàng hóa thông thương, đồng bào Chăm bắt đầu mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giao thương mua bán nhộn nhịp hơn”.
Bài và ảnh: HỮU LỢI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.