Thượng Phùng là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc (Hà Giang), xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống khó khăn, cách trung tâm huyện hơn 40km. Xã có 13 thôn, trong đó có 5 thôn giáp biên có chiều dài đường biên giới 15,731km; 925 hộ, hơn 5.200 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm 63,68%. Công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân được chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng đóng quân trên địa bàn xác định là nhiệm vụ quan trọng.
 |
Đồng chí Vương Thị Thủy, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy; Bùi Duy Thưởng, Chủ tịch UBND xã Thượng Phùng kiểm tra công tác cải tạo vườn tạp tại xã Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang.
|
 |
Cây lê, mận của gia đình ông Thò Mí Sính đang sinh trưởng tốt. |
Ông Mua Mí Sử, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Phùng cho biết: “Để có định hướng phát triển kinh tế phù hợp cho từng vùng, xã đã rà soát, xác định rõ các tiểu vùng với địa hình, khí hậu và dân trí phù hợp để triển khai nguồn vốn hỗ trợ giống cây trồng, vật tư, công cụ phục vụ sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân. Đối với các thôn có diện tích đất canh tác tốt hơn xã vận động nhân dân phát triển cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, nuôi bò, lợn, dê, gia cầm. Đến nay, tổng đàn gia súc của xã trên 5.000 con, gia cầm hơn 36.000 con, 550 đàn ong. Ngoài ra, xã còn tích cực vận động nhân dân trồng các loại cây ăn quả như lê, đào, mận”.
 |
Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Mèo Vạc, Công an huyện cùng lãnh đạo xã thăm mô hình chăn nuôi của ông Vừ Chúa Xá, thôn Mỏ Phàng, Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang. |
 |
Trâu, bò của gia đình ông Vừ Chúa Xá, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang) được vỗ béo để bán ra thị trường |
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh Hà Giang về triển khai, thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ; trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình, hộ gia đình phát triển kinh tế giỏi. Điển hình như hộ: Vừ Chúa Xá, Thò Mí Sính, Thào Mí Lủng ở thôn Mỏ Phàng. Từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh, quỹ phát triển của xã cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự “Cầm tay, chỉ việc” của cán bộ xã, các hộ đã đầu tư chuồng trại, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và cải tạo vườn tạp trồng hơn 300 cây ăn quả, diện tích cây đang sinh trưởng tốt. Từ nguồn vốn vay, chuồng trại các hộ được cải tạo, xây dựng hố thu gom phân hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Đàn gia súc được chăm sóc, phát triển tốt; thu nhập của hộ gia đình sau khi thực hiện cải tạo vườn tạp thu nhập tăng lên từ 30 - 45 triệu đồng.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái tuyên truyền pháp luật và phát triển kinh tế cho bà con tại nương. |
Ông Vừ Chúa Xá, một trong những hộ điển hình về cải tạo vườn tạp và chăn nuôi giỏi tại thôn Mỏ Phàng chia sẻ: “Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, hỗ trợ, gia đình đã thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi bò vỗ béo và lợn sinh sản, cùng với đó kết hợp cải tạo vườn tạp trồng xen canh lê với diện tích trồng ngô và khoai lang. Từ việc chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện rất nhiều”.
Theo ông Bùi Duy Thưởng, Chủ tịch UBND xã Thượng Phùng: Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái tích cực xuống thôn vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; xuống hộ gia đình “cầm tay, chỉ việc” cho bà con. Hiện toàn xã có 14 hộ tham gia làm vườn mẫu. Qua đánh giá, các vườn đều đạt 4/4 tiêu chí. Đời sống của bà con ngày càng được nâng lên đáng kể.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái giúp dân tu sửa nhà cửa để ổn định cuộc sống. |
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân có vốn phát triển sản xuất, các đoàn thể của xã còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 13,2 tỷ đồng; vay vốn theo Nghị quyết số 58 của Hội đồng nhân dân tỉnh với tổng số tiền 300 triệu đồng… Phát huy hiệu quả nguồn vốn, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Thời gian tới, chính quyền xã, cán bộ Biên phòng Xín Cái tiếp tục phối hợp chặt chẽ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; tập trung giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, triển khai các nguồn vốn hỗ trợ đúng đối tượng, hướng tới giảm nghèo bền vững. Người dân cũng xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế, thông qua triển khai thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật... để vươn lên thoát nghèo, xây dựng xã biên giới Thượng Phùng ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: HÀ LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.