Huyện Mèo Vạc có 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, 17 dân tộc cùng chung sống, hơn 17.200 hộ dân (trong đó hộ nghèo chiếm 63,92%). Để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể của huyện Mèo Vạc luôn tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Các chế độ, chính sách giảm nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm đúng quy định. Trong năm 2022, các cơ quan, ban, ngành của huyện Mèo Vạc đã thực hiện lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo như chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...; huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 13.000 lao động, trong đó đi xuất khẩu lao động và làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh là gần 8.900 người.

leftcenterrightdel
Cán bộ địa phương hướng dẫn người dân xã Tả Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang) phát triển chăn nuôi để từng bước thoát nghèo. 

Để giúp người nghèo có vốn phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn người dân triển khai thực hiện tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng các mô hình; chú trọng thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả việc cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn... Nhờ những nỗ lực đó, trong năm 2022, toàn huyện Mèo Vạc đã có 940 hộ thoát nghèo. Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ nhà ở, chính sách hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ về y tế cũng được quan tâm. Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, toàn huyện đã hỗ trợ gạo, tiền ăn, ở cho hơn 20.000 lượt học sinh là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho 39.194 lượt trẻ em, học sinh...

Đặc biệt, Quỹ "Vì người nghèo” đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Từ năm 2021 đến tháng 8-2022, Quỹ "Vì người nghèo” của huyện đã vận động, tiếp nhận hơn 1,8 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 37 ngôi nhà; hỗ trợ mua máy móc để phát triển sản xuất, chăn nuôi cho 9 hộ nghèo; chăm lo Tết cho người nghèo... 

Như gia đình ông Lầu Mí Nô ở thôn Há Súa là hộ nghèo của xã Tả Lủng, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nhà kiên cố để ở. Biết hoàn cảnh của gia đình ông Nô, lãnh đạo xã Tả Lủng đã báo cáo các cấp, đề nghị hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng trích từ Quỹ “Vì người nghèo” để làm lại nhà. Cùng với sự hỗ trợ về tiền, công lao động của anh em dòng họ và bà con nhân dân trong thôn, chỉ sau hai tháng khởi công, ngôi nhà có diện tích gần 80m2 đã hoàn thành và bàn giao để gia đình ông Nô sử dụng. Trong ngày nhận nhà mới, ông Nô không khỏi xúc động: “Trước đây, ngôi nhà của gia đình tôi xuống cấp nghiêm trọng. Do đông con, cuộc sống nhiều khó khăn nên tôi không có điều kiện làm nhà mới. Nhờ có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, anh em dòng họ và bà con trong thôn, nay tôi đã có được ngôi nhà mới. Giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực...”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vàng Thị Và, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mèo Vạc cho biết: “Những năm qua, mặc dù các cơ quan, ban, ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn ở mức cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương chung tay vì người nghèo, vận động Quỹ "Vì người nghèo”, triển khai hiệu quả các phong trào giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là quan tâm tạo sinh kế cho bà con, qua đó góp phần giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Chương trình chung tay vì người nghèo trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đi vào cuộc sống, từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống kinh tế cho các hộ nghèo, các gia đình khó khăn. Nhờ được tuyên truyền, vận động, đến nay, đa số các hộ nghèo đã có ý thức vươn lên, chăm lo làm ăn để thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bài và ảnh: HÀ LINH