Để đạt được những kết quả đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Cà Mau luôn quan tâm chăm lo thực hiện nhiều chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer. Các tuyến đường liên xã, liên ấp, những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được Trung ương và tỉnh Cà Mau đầu tư xây dựng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển toàn diện về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Nhờ chính sách cho vay vốn của Nhà nước, ông Thạch Khenl ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã đầu tư phát triển kinh tế và thoát nghèo. 

Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết: “Thời gian qua, để hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án trên các lĩnh vực để từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua phân loại từng tiêu chí đánh giá hộ nghèo, đến nay, Cà Mau còn hơn 1.200 hộ nghèo (chiếm khoảng 13%) và hơn 600 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS”.

Là hộ được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, ông Thạch Khenl ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Trước đây, do thiếu vốn sản xuất nên cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, cá, sò huyết nên gia đình tôi và nhiều hộ đồng bào Khmer trong xã đã nhanh chóng thoát nghèo. 3 năm gần đây, nhờ biết áp dụng mô hình nuôi trồng đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình, bình quân 150-200 triệu đồng/năm”.

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Cà Mau xác định đến hết năm 2025 sẽ triển khai thực hiện 10 dự án, với tổng kinh phí thực hiện hơn 374,6 tỷ đồng. Trong đó, gần 70% vốn sẽ được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, với hơn 260,7 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng chính sách hơn 97,6 tỷ đồng và vốn huy động khác 16,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “UBND tỉnh xác định một số mục tiêu cụ thể trọng tâm theo kế hoạch đề ra đến năm 2025 là phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS lên gấp hơn 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm hơn 2%/năm; ít nhất có 40% số xã và 51,2% số ấp, khóm ra khỏi danh sách địa bàn đặc biệt khó khăn. Tiếp tục duy trì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc thảm bê tông; 80% ấp, khóm vùng DTTS có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa theo chuẩn nông thôn mới. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng bổ sung 4 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho vùng đồng bào DTTS...”.

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, cách nghĩ, cách làm, phát huy bản sắc văn hóa theo hướng tích cực, cuộc sống đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Cà Mau.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGHI