Động lực vượt khó

Từ ngày về ở trong ngôi nhà mới, gia đình chị Hiên Thị Cô ở thôn 49A, xã Đắc Pring, TP Đà Nẵng như được tiếp thêm nguồn sinh khí mới. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Cô cho biết: "Nhiều năm mong ước có ngôi nhà kiên cố để cuộc sống đỡ vất vả, nhưng phải đến năm 2023, nhờ sự “tiếp sức” 80 triệu đồng từ Hội LHPN huyện Nam Giang (tên gọi trước ngày 30-6) và cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Nam (nay là Ban chỉ huy BĐBP thuộc Bộ CHQS TP Đà Nẵng) trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, vợ chồng tôi mới có động lực xây mới ngôi nhà".

Cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Pa Ủ (Lai Châu) tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho đồng bào La Hủ ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: ĐỨC DUẨN

Không chỉ hỗ trợ mái ấm giúp các hội viên “an cư”, nhiều chị em còn được trao tặng con giống, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên thoát nghèo. Chị Quàng Thị Hà (xã Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là một ví dụ. Từ khoản hỗ trợ 7 triệu đồng và 1 con bò giống, gia đình chị đã tập trung vào việc chăn nuôi, phát triển sản xuất. Nhờ đó, gia đình chị đã có thể tự chủ tài chính, nuôi con ăn học và xây được mái nhà vững chãi giữa vùng biên heo hút.

Với sự tiếp sức từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, 5 năm qua, hàng nghìn phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng biên giới như chị Cô, chị Hà đã có thêm động lực, sự tự tin để vươn lên trong cuộc sống. Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của chương trình hướng vào đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững theo phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”. Với tinh thần đó, các cấp Hội LHPN đã phối hợp với các đơn vị BĐBP ưu tiên củng cố, xây dựng mới các mô hình sinh kế trên cơ sở phát huy thế mạnh từng địa phương ở nhiều lĩnh vực.

5 năm và những con số

Hội nghị tổng kết Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng BĐBP tổ chức mới đây, đánh giá, sau 5 năm thực hiện, chương trình đã có hơn 1.022 mô hình sinh kế thiết thực, bền vững đã được triển khai rộng khắp. Tiêu biểu như các mô hình: “Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây”; “Trồng lúa Ra Dư”; “Tín dụng, tiết kiệm”; “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”; “Phụ nữ khởi sự kinh doanh”; “Vườn cây sinh kế”; “Ngân hàng bò”; “Hũ gạo tình thương” được duy trì tại nhiều tỉnh biên giới... Từ các mô hình sinh kế, đã có hơn 34.000 con giống, hơn 51.000 cây giống được các đơn vị đồng hành trao tặng; 19.154 lượt phụ nữ được vay vốn; 670 lớp, khóa dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 21,9 nghìn lượt phụ nữ...

Nói về hiệu quả của chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phấn khởi cho biết: “Một trong những dấu ấn nổi bật của chương trình là khả năng huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ trực tiếp và bền vững cho phụ nữ vùng biên giới. Tính đến giữa năm 2025, tổng giá trị nguồn lực vận động đã lên đến hơn 294 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu ban đầu và khẳng định sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình trong toàn xã hội”. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, đã có 28/100 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới nhờ các hỗ trợ từ chương trình. 

"Tiếp sức" cho chương trình

Hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025 là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, chương trình vẫn còn những hạn chế nhất định như một số mô hình sinh kế chưa phù hợp với thực tiễn tình hình địa phương dẫn đến không hiệu quả, hay có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, liên tục... nhận thức của một số phụ nữ vùng biên giới vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của các đơn vị nhận giúp đỡ nên chưa phát huy nội lực và tinh thần chủ động. Cùng với đó là đặc thù vị trí địa lý, khu vực miền núi, biên giới thường hay xảy ra thiên tai, dịch bệnh, dễ gây thiệt hại cho mô hình sinh kế trồng trọt, chăn nuôi.

Để chương trình có sức sống bền vững, chúng tôi thấy rằng, giai đoạn 2026-2030, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cần tập trung nhân rộng các mô hình sinh kế có hiệu quả; tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp để tăng nguồn lực. Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng cần chú trọng phát triển tổ chức hội phụ nữ tại cơ sở, tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý, tuyên truyền pháp luật, quản trị hội viên cho cán bộ hội cơ sở. Tăng cường đỡ đầu, kết nghĩa giữa hội LHPN các cấp với đồn biên phòng, mở rộng phạm vi địa bàn tới các xã biên giới đất liền, biên giới quốc gia trên biển, hải đảo còn nhiều khó khăn.

VÂN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.