Theo kế hoạch, trong 2 năm (2022-2023) các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn được giao hơn 430 triệu đồng để tổ chức các lớp xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết chữ. Hiện đã tổ chức được hơn 30 lớp, thu hút gần 860 học viên tham gia. Để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức tập huấn cấp tỉnh cho hơn 80 đại biểu là đại diện lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học, nhất là giáo viên dạy xóa mù chữ ở các địa phương.
Học viên của những lớp học xóa mù chữ này là người dân tộc thiểu số mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60. Ban đầu, khi được vận động đến lớp nhiều người còn e dè sợ không tiếp thu được vì lớn tuổi. Tuy nhiên, nhờ vào việc tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình mà chỉ trong một thời gian ngắn, những học viên này đã có sự thay đổi rõ rệt.
 |
Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Sáo Sào, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn.
|
Chị Triệu Thị Đặng, thôn Khuổi Vùa, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn tham gia lớp học xóa mù chữ chia sẻ: “Chưa đi học thì không biết gì, không đọc được, từ lúc học xong về là cảm thấy đọc dễ hơn, tuy chưa lưu loát nhưng hiểu biết nhiều hơn”.
Hay tại Điểm trường Sáo Sào, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, ban ngày là địa điểm cho các em học sinh tiểu học, còn từ 16 giờ trở đi là thời gian học của lớp xóa mù chữ. Lớp có 18 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông ở nhiều độ tuổi khác nhau, quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Ở đây, có người phải đi bộ tới 6 cây số, nhưng hằng ngày họ vẫn không quản ngại khó khăn, đều đặn đến lớp, thậm chí còn gói theo cả cơm để đi ăn.
Bà Đào Thị Thàng, 54 tuổi, học viên lớn tuổi nhất ở lớp phấn khởi cho hay: “Tôi đi học thấy vui lắm, vì biết cái chữ, biết tính toán mà không phải phụ thuộc người khác, tôi rất biết ơn các thầy cô giáo, Đảng và Nhà nước”.
Để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Thầy giáo Hoàng Văn Vĩnh, giáo viên dạy Toán là người lên lớp từ những ngày đầu tiên cho hay: “Lần đầu tiên tiếp xúc với cái chữ, con số, các anh, chị học viên rất hào hứng, chú tâm lắng nghe, tuy nhiên do ở độ tuổi khác nhau nên việc tiếp thu cũng khác nhau, có người tiếng phổ thông hạn chế nên việc truyền dạy mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi phải nhờ đến người phiên dịch, sử dụng đồ dùng trực quan cho dễ hiểu. Sau vài tháng, các anh chị cơ bản biết đọc, biết viết, cộng trừ các phép tính đơn giản. Lớp học xóa mù chữ tại thôn Sáo có thời gian đào tạo là 9 tháng, trình độ từ lớp 1 đến lớp 3, có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào nơi đây”.
 |
Học viên của những lớp học xóa mù chữ là người dân tộc thiểu số mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60. |
Theo ông Đàm Trung Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa mù chữ, hiện huyện Ngân Sơn tổ chức được 6 lớp với hơn 100 học viên, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Việc thực hiện xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang góp phần quan trọng để ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 100% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đưa tỉnh Bắc Kạn sẽ đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Cùng với việc tổ chức các lớp xóa mù chữ, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú, trong đó: Năm 2022 xây dựng 8 trường (4 trường PTDT nội trú và 4 trường PTDT bán trú + trường Phổ thông có học sinh bán trú). Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang trình Sở Xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Quy mô đầu tư dự án có 17 trường, trong đó có 2 trường PTDT nội trú và 15 trường PTDT bán trú + trường phổ thông có học sinh bán trú. Việc được đầu tư cơ sở vật chất sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Bài ảnh: LINH HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan