Thực hiện dự án “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh vùng miền núi là nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” giai đoạn 2021-2025, huyện Ba Bể là địa phương được lựa chọn triển khai mô hình này.

Bà Đàm Thị Thu, Trạm kiểm lâm Đồng Phúc - Quảng Khê, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Bể cho biết: “Hiện nay, các diện tích rừng tự nhiên không được cải tạo, do vậy hướng trồng cây dược liệu vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế người dân vừa đảm bảo bảo vệ rừng”.

Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 8-2-2023 triển khai thực hiện Dự án Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Dự án 3 tiểu dự án 2, nội dung số 02 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel

Hợp tác xã Nông lâm ngư nghiệp Bắc Kạn phát triển cây dược liệu tại huyện Bạch Thông. 

Triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Dược liệu tổ chức khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai vùng trồng dược liệu, tổ chức thẩm định Dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dự án sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và địa phương; vốn xã hội hóa từ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tổng mức đầu tư hỗ trợ nội dung này từ nay đến năm 2025 là 200 tỷ đồng, với các nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi… Thời điểm này, đơn vị được giao chủ trì dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn xong đơn vị liên kết thực hiện mô hình, địa điểm xây dựng nhà máy chế biến và đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Thông qua nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Ba Bể với mục tiêu xây dựng được vùng sản xuất dược liệu quý quy mô 210ha vào năm 2025, xây dựng nhà máy chế biến tại huyện Ba Bể”.

Theo thống kê, Bắc Kạn có khoảng hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có 20 loại cây quý và hiếm, cây dược liệu có hầu hết ở các huyện nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng trong tỉnh. Vì vậy, thời gian qua nhiều Dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh và đều cho kết quả khả quan, kỹ thuật trồng không quá phức tạp, mức đầu tư hợp lý, năng suất, sản lượng đều khá. Do vậy, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Kạn, việc phát triển cây đa dạng các loại cây dược liệu là thuận lợi, đây là điều kiện để người dân phát huy thế mạnh đồi, rừng, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, mở ra một hướng đi mới, đa dạng nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

leftcenterrightdel
Phát triển cây dược liệu cà gai leo tại Hợp tác xã nông lâm thủy sản Hoàng Duy, xã Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. 

Giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 14 dự án được đưa vào danh mục liên kết, sản xuất, chế biến dược liệu như: HTX Nông nghiệp Tân Thành tham gia vào Dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm quế; HTX Mộc Lan Rừng với Dự án liên kết trồng cây khôi nhung tía; HTX Nông lâm Ngư nghiệp tham gia vào Dự án sản xuất gắn với tiêu thụ cây dong riềng đỏ… Các dự án tham gia vào chuỗi sản xuất đang được kỳ vọng tạo ra vùng nguyên liệu ổn định có giá trị, đóng góp vào nguồn kinh tế cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Đinh Hồng Kiên, Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Dự án phát triển vùng dược liệu quý cho vùng dân tộc thiểu số đáp ứng nguyện vọng, cũng như tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp tạo công ăn việc làm cũng như bảo vệ nguồn dược liệu”.

Bắc Kạn đặt mục tiêu triển khai 4 vùng trồng dược liệu tập trung, gồm: Tiểu vùng trung tâm; tiểu vùng phía đông; tiểu vùng phía tây; tiểu vùng phía bắc và đông bắc với 26 loài dược liệu. Ðến năm 2025, diện tích dự kiến 545ha, trong đó, 345ha trồng theo hình thức thâm canh và 200ha trồng dưới tán rừng, tạo ra 1.600 tấn dược liệu khô.

Với mục tiêu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương dự án sẽ góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào khu vực triển khai dự án. Đồng thời, giúp hình thành ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt góp phần vào thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo tại tỉnh miền núi như Bắc Kạn.

Bài, ảnh: LINH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.