Xôi ngũ sắc tượng trưng cho sự yên ấm, no đủ, hạnh phúc trong cuộc sống bao đời nay của người dân nơi đây. Để làm món xôi ngũ sắc thật thơm và đẹp mắt không hề dễ. Người dân tộc Tày luôn chọn loại gạo nếp nương mới gặt, hạt to đều, có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, màu sắc của xôi được tạo ra hoàn toàn bằng nguyên liệu từ cây cỏ thiên nhiên. Theo đồng bào, trước khi đồ thành xôi, gạo nếp phải được vo sạch, ngâm nước từ tối hôm trước để gạo nở đến độ vừa phải, dễ thấm màu, vừa làm cho xôi mềm, dẻo. Xôi thường được làm thành 5 màu: Trắng, đỏ, tím, vàng, xanh, cái tên “xôi ngũ sắc” được sinh ra từ đó.

leftcenterrightdel
  Món xôi ngũ sắc trong mâm cỗ của đồng bào Tày ở Bắc Kạn.

Trong “ngũ sắc” thì trắng là màu nguyên của gạo, những màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Màu vàng tạo thành từ nghệ, màu tím từ lá cây đỏ đen, màu xanh từ lá gừng, còn màu đỏ từ lá cẩm hay quả gấc. Điều đặc biệt nữa là món xôi ngũ sắc nhất định phải được đồ từ chiếc hũ làm từ thân cây. Khi đĩa xôi nếp ngũ sắc hoàn thành và được bày lên mâm cỗ không chỉ đẹp mà còn có tiếng nói riêng ở mỗi màu: Màu vàng của ước muốn luôn được no ấm phồn thịnh; màu đỏ bày tỏ những ước mơ, khát vọng của đất và người nơi đây; màu xanh là màu của núi rừng, là bầu trời với sức sống diệu kỳ; màu tím tượng trưng cho sự thủy chung và màu trắng là của tình yêu, sự trắng trong, thanh bạch.

Không những vậy, đối với người Tày, các màu của xôi ngũ sắc còn tượng trưng cho ngũ hành: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, sự tồn tại đồng thời của 5 yếu tố này tạo nên sự hòa hợp, tươi tốt của đất trời. Chính vì thế, đồng bào dân tộc Tày thường có quan niệm ngày lễ, tết được ăn xôi ngũ sắc sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành. Vào dịp Tết Thanh minh (mồng 3 tháng Ba âm lịch) hằng năm, đồng bào dân tộc Tày thường dâng xôi lên ban thờ cúng gia tiên để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ những người đã khuất.

Không chỉ là nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực, xôi ngũ sắc phần nào còn thể hiện đời sống tâm linh đa dạng, phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cao Bắc Kạn.

Bài và ảnh: ĐỖ KIM TẬP