Những năm qua, xác định văn hóa là tài nguyên, nguồn lực quý giá, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Cuối năm 2023, nghệ nhân cồng chiêng Y Byủn cùng gần 50 nghệ nhân khác ở làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh hào hứng, phấn khởi được lên TP Pleiku (Gia Lai) biểu diễn cồng chiêng phục vụ người dân và du khách tại sự kiện “Sắc màu văn hóa Gia Lai-Bảo tồn và phát triển” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức định kỳ vào sáng chủ nhật hằng tuần. Những bài cồng chiêng của đồng bào Ba Na, Gia Rai trước đây chỉ biểu diễn ở làng hoặc trong các sự kiện quan trọng của tỉnh, huyện thì nay được biểu diễn thường xuyên ở phố để người dân thưởng thức, trải nghiệm. “Đưa những tinh hoa và giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng đến với đông đảo người dân là điều chúng tôi mong đợi từ lâu. Chúng tôi mong muốn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình được bay xa, được mọi người biết đến”, nghệ nhân Y Byủn cho hay.

leftcenterrightdel
Các nghệ nhân xã Hà Tây, huyện Chư Păh (Gia Lai) biểu diễn cồng chiêng tại sự kiện "Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển". 

Niềm vui của các nghệ nhân làng Kon Măh cũng là tâm trạng chung của người dân Gia Lai, nhất là đồng bào các DTTS. Già làng Đinh Mlênh, ở thôn 4, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa bày tỏ: “Các sự kiện trong năm 2023 và một số sự kiện đầu năm 2024, như: Tuần lễ văn hóa-du lịch Gia Lai; festival văn hóa cồng chiêng Gia Lai; cồng chiêng trải nghiệm vào tối thứ bảy hằng tuần... đã góp phần mở rộng không gian văn hóa và đưa văn hóa đến gần hơn với người dân, du khách...”.

Thực tế tại tỉnh Gia Lai cho thấy, khi cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đồng thuận trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thì sẽ thu được nhiều kết quả tích cực cả về văn hóa và kinh tế. Bằng chứng là trong hơn 10.000 bộ cồng chiêng được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lưu giữ thì tỉnh Gia Lai có khoảng 5.000 bộ, cùng với đó là hoạt động truyền dạy cách đánh cồng chiêng, phục dựng các lễ hội truyền thống được tổ chức rộng khắp các thôn, làng, trường học. Nghề dệt thổ cẩm được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhiều hợp tác xã, câu lạc bộ dệt thổ cẩm ra đời liên kết với các doanh nghiệp, công ty lữ hành phát triển sản phẩm du lịch, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Năm 2023, các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng du lịch thu hút 1,2 triệu lượt khách, tăng 25% so với năm 2022, tổng thu du lịch ước đạt 790 tỷ đồng.

Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp, công ty lữ hành, Gia Lai có tiềm năng, thế mạnh nổi trội về bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên với nhiều thắng cảnh để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Một số địa phương bước đầu khai thác loại hình du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, định hình được sản phẩm du lịch với những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn du khách như: Làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh); làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Các làng du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch mới cũng phát huy hiệu quả, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, việc khai thác nguồn lực văn hóa vào phát triển kinh tế xanh, bền vững đang được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã xây dựng, triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025”; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tỉnh chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch theo phương châm “sản phẩm khác biệt, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường xanh, sạch, đẹp, điểm đến thiên nhiên hấp dẫn và khác biệt”; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quan điểm hỗ trợ nhau cùng phát triển...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.