Khó trao truyền
Đến xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Đặng Nho Vượng, nhiều người biết đến, bởi ông là người am hiểu và luôn tích cực tham gia truyền dạy hát Páo dung cho người dân trong xã. Theo nghệ nhân Đặng Nho Vượng: Trước đây, những câu hát Páo dung giản dị, mộc mạc là một phần không thể thiếu trong đời sống đồng bào người Dao. Hát Páo dung có nhiều làn điệu, nhưng có thể chia thành hai loại hình chính là Páo dung lễ nghi tín ngưỡng và Páo dung sinh hoạt. Páo dung lễ nghi tín ngưỡng là các làn điệu cổ, gồm những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng như lễ cấp sắc, lễ cưới, cúng Bàn Vương, cúng đầy tháng, cúng lên nương, cúng tra hạt... Páo dung sinh hoạt gồm hát ru con, hát đối đáp giao duyên, hát về cuộc sống, lao động sản xuất hằng ngày... “Hiện nay, những người đam mê hát Páo dung của dân tộc Dao chủ yếu đều lớn tuổi, số lượng người trẻ tham gia rất hạn chế. Tại xã Đại Sơn, do chưa thành lập được câu lạc bộ (CLB) nên buổi tối, chúng tôi thường tập trung những người đam mê ca hát lại với nhau để học hỏi, tập luyện những bài hát cho các chương trình nghệ thuật trong xã, huyện. Thời gian gần đây, cộng đồng người Dao dần quan tâm hơn đến việc bảo tồn văn hóa, nhưng nếu bà con không nỗ lực, không có sự quan tâm của Nhà nước, địa phương thì số lượng người tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu những người cao tuổi nắm vững các làn điệu hát Páo dung ít tham gia thì sẽ khó có người truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nguy cơ mai một ngày càng cao hơn”, nghệ nhân Đặng Nho Vượng cho biết.
Không chỉ làn điệu hát Páo dung của người Dao mà làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu cũng có nguy cơ mai một. Tại xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện có 14 CLB Soọng cô, riêng CLB ở thôn Vĩnh Ninh đang có 35 hội viên tham gia sinh hoạt, người cao nhất 65 tuổi, trẻ nhất 35 tuổi. CLB sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, cùng nhau hát các làn điệu truyền thống. Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm, Chủ nhiệm CLB Chợ tình xã Đạo Trù, Trưởng ban liên lạc các CLB dân ca Sán Dìu Việt Nam chia sẻ: “Hát Soọng cô chủ yếu là hát đối đáp giao duyên, không có nhạc cụ. Muốn trao truyền được làn điệu Soọng cô, trước hết người dạy phải có sự kiên trì, am hiểu về văn hóa. Tuy nhiên hiện nay, đa số lớp trẻ không còn mặn mà với dân ca, âm nhạc của dân tộc mình, do đó, nếu không có sự kiên trì thì khó lưu giữ được các làn điệu dân ca truyền thống”.
Làm mới âm nhạc dân tộc để thu hút thị hiếu công chúng
Hiện nay, các loại hình âm nhạc dân ca như Sình ca của đồng bào Cao Lan, Soọng cô của người Sán Dìu, Khắp của người Thái, hát Páo dung của người Dao, sử thi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên... mặc dù đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia, được quan tâm bảo tồn dưới nhiều hình thức, tuy nhiên, những làn điệu dân ca này vẫn rất khó thu hút người xem, người nghe và theo học.
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho biết: “Âm nhạc của các DTTS có vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định tạo ra sự đặc trưng cho nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, giới trẻ được tiếp xúc nhiều với các thể loại âm nhạc, thì việc giữ những làn điệu cũ cộng với môi trường diễn xướng của những làn điệu dân ca này thường trong phạm vi hẹp ở làng, xã khiến giới trẻ khó tiếp cận và dễ gây nhàm chán”.
Theo PGS, TS Trần Hữu Sơn, có hai hướng bảo tồn các loại hình âm nhạc dân ca là bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn không nguyên vẹn. Bên cạnh cơ chế đầu tư kinh phí để thu hút người dạy và học, hiện nay có thể linh hoạt truyền dạy các làn điệu dân ca này kết hợp với những nhạc cụ vui nhộn, đặt lời mới dễ học, dễ nhớ để lớp trẻ dễ tiếp cận... nhưng căn bản vẫn giữ được hồn cốt của các làn điệu dân ca đó. “Âm nhạc cổ truyền của các DTTS không phải là di sản bất biến. Vì vậy, không nên đi theo hướng rập khuôn như thế hệ trước, mà phải có sự đổi mới phát triển, nếu không sẽ có sự đào thải”, ông Sơn nhận định.
KIM ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.