 |
Ông Tẩn Vần Hoa (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân trong bản kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo. |
Bản Sàng Giang có 111 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây bà con vốn quen canh tác cây lúa, cây ngô. Từ năm 2017, nhận thấy cây chuối có tiềm năng, bà con đã mở rộng diện tích trồng chuối lên 200ha. Gia đình ông Hoa cũng trồng hơn 2ha chuối. Tuy nhiên, không để kinh tế phụ thuộc vào một loại cây nhất định, ông Hoa quyết định phát triển kinh tế theo hướng xây dựng gia trại, đa dạng mô hình sinh kế. Ông Hoa cho biết, người dân trong bản có nhiều hạn chế trong cập nhật thông tin nên chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà vẫn canh tác cây, con truyền thống. Bản thân ông có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin nên đã mạnh dạn ứng dụng vào cuộc sống.
Một trong những bước đột phá của ông Hoa là đưa cây sa nhân về với đồng bào Dao ở Sàng Giang. Qua nắm bắt thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông Hoa nhận thấy cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa và ngô. Tham khảo kỹ các tài liệu, ông Hoa nhận thấy đất đai và khí hậu ở bản mình hoàn toàn phù hợp với cây sa nhân, vì vậy năm 2018 ông quyết định tận dụng đất đồi nhàn rỗi trồng loại cây này. Không chỉ trồng, ông Hoa còn chiết ghép cây sa nhân giống để cung cấp cho bà con. Đến nay, bản Sàng Giang đã trồng được hơn 30ha cây sa nhân. Ông Hoa chia sẻ: “Đến nay, gia đình tôi đã trồng được 3ha sa nhân. Sau hai năm trồng, năm 2020, vườn sa nhân trồng đầu tiên bắt đầu bói quả. Năm 2021, tôi thu hoạch lứa đầu tiên. Năm 2022, giá sa nhân là 50.000 đồng/kg, năm nay giá thu mua đã tăng lên 80.000 đồng/kg, bà con ai cũng phấn khởi”.
Ông Hoa là người đầu tiên ở Sàng Giang trồng cây chanh leo trong sự hồ nghi của nhiều người. Tháng 12-2022, ông triển khai trồng chanh leo trên diện tích 1,6ha. Ông Hoa cho biết: “Chanh leo là loại cây khá khó tính, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc tốt mới tránh được sâu bệnh và cho năng suất cao. Trồng chanh leo cần vốn đầu tư về cây giống và làm giàn leo, chi phí đầu tư cho mỗi cây khoảng 100.000 đồng nhưng lợi nhuận mang lại cũng lớn. Ưu điểm của loại cây này là chỉ cần trong 5-6 tháng là cho thu hoạch. Mỗi cây chanh leo có thể cho thu hoạch 20-30kg quả/năm. Tôi không quá lo lắng về đầu ra vì đã có công ty thu mua. Vụ đầu tiên tôi thu được gần 8 tấn quả với giá bán 7 triệu đồng/tấn. Vụ này tôi ước tính thu được khoảng 20 tấn quả”.
Có thể nói, nhờ dám làm, dám đổi mới, ông Hoa đã xây dựng được mô hình kinh tế gia trại đạt hiệu quả cao và là hình mẫu để người dân trong bản học theo, không chỉ để đạt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu.
Bài và ảnh: BÍCH NGUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.