Chị Lê Thị Mộng Nhi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hiếu Tử cho biết: “Thời gian qua, các chi hội tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ về công tác giảm nghèo, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo. Qua đó giúp hội viên sớm được tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp hội viên phụ nữ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã Hiếu Tử nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiểu Cần cho 1.125 lượt hộ vay, với tổng số tiền hơn 17,2 tỷ đồng”.
 |
Chị Sơn Thị Saly ở ấp Ô Đùng, xã Hiếu Tử (Tiểu Cần, Trà Vinh) chăm sóc đàn bò sinh sản từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Nhờ các chương trình hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi mà nhiều hội viên phụ nữ xã Hiếu Tử đã thoát nghèo. Chị Sơn Thị Saly, thành viên tổ tiết kiệm-vay vốn, Chi hội Phụ nữ ấp Ô Đùng (xã Hiếu Tử) cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. 3 năm trước, được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi mua 2 con bò về nuôi và trồng lúa chất lượng cao. Với mô hình nêu trên, mỗi năm cũng mang lại lợi nhuận hơn 50 triệu đồng, giúp gia đình tôi thoát nghèo. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi thì chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới được như ngày hôm nay”.
Chị Danh Kim Thúy, hội viên phụ nữ ấp Kinh Xáng (xã Hiếu Tử), được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất 30 triệu đồng năm 2018 để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi nên các loại cây màu phát triển tốt, kinh tế gia đình dần được cải thiện. Chị Thúy cho biết: “Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện, bảo lãnh cho tôi được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi cũng thu lợi hơn 60 triệu đồng. Từ khi chuyển đất trồng lúa sang chuyên trồng màu, gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững”.
Để nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, Hội Phụ nữ xã Hiếu Tử cùng các tổ tiết kiệm-vay vốn thực hiện minh bạch công tác bình xét cho vay, bảo đảm đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. “Trong quá trình sử dụng vốn vay, Hội Phụ nữ xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sinh hoạt, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong các buổi sinh hoạt của tổ tiết kiệm-vay vốn, chị em phụ nữ sẽ được tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, của hội phụ nữ các cấp; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi để cùng nhau sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả”, chị Mộng Nhi nói.
Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực, cùng với các hoạt động giúp phụ nữ về vốn và sự chủ động của mỗi hội viên phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NGHI