Với hơn 78% công nhân là người dân tộc thiểu số thuộc 11 dân tộc anh em (Kinh, Jrai, Mông, Thái, Mường, Năng, Tây, Dao, Ba Na, Ê Đê, Khơ Mú), những năm qua, Công ty Bình Dương luôn coi trọng việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác đặc biệt này.
Thượng tá Lê Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Bình Dương cho biết, để hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty diễn ra hiệu quả, cũng như góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ các đội sản xuất với nhiệm vụ kép là vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, vừa làm công tác dân tộc.
 |
Chỉ huy Đội 1, Công ty Bình Dương trao đổi và hướng dẫn đồng bào dân tộc canh tác cây công nghiệp.
|
“Nhận nhiệm vụ của trên, bên cạnh hoạt động sản xuất đơn vị luôn quán triệt thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong đó có công tác dân tộc. Với đặc thù có hơn 78% công nhân là đồng bào dân tộc, đơn vị luôn quan tâm tới việc tổ chức các lớp học, chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc và công tác dân tộc dành cho đối tượng cán bộ, công nhân viên và người lao động”, Thượng tá Lê Đức Toàn chia sẻ.
Theo Thượng tá Lê Đức Toàn, các lớp bồi dưỡng ngôn ngữ và kiến thức dân tộc nhằm trang bị, bổ sung thông tin, kiến thức và kỹ năng để từng bước nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, giúp cán bộ đơn vị tham gia hiệu quả hơn vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cũng như việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc không chỉ trong đơn vị mà còn cả tại địa phương đứng chân. “Lớp đào tạo đã giúp đội ngũ cán bộ có thuận lợi trong việc tiếp cận và giao tiếp với đồng bào, hiểu được phong tục, tập quán, nếp sống của bà con để nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, cũng như nắm bắt tâm tư của bà con”, Thượng tá Lê Đức Toàn chia sẻ.
Thông qua các lớp bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người lao động Công ty Bình Dương được cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số; đồng thời đội ngũ báo cáo viên cũng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Là cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc và công tác dân tộc của Công ty Bình Dương, Thiếu tá Trương Nhật Quang, Đội trưởng Đội 9 cho biết, nhờ những kiến thức và kỹ năng được bồi dưỡng qua khóa học từ năm 2022, đồng chí đã tự tin hơn trong việc tuyên truyền giáo dục bà con tuân thủ quy định của công ty, pháp luật nhà nước trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai). Thiếu tá Trương Nhật Quang mong rằng, trong thời gian tới, Binh đoàn 15, Công ty Bình Dương tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho Đội 9 thực hiện tốt công tác dân vận, công tác dân tộc để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm chính sách dành cho đồng bào dân tộc với mục tiêu đơn vị gắn với thôn làng; bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh biên giới.
 |
Các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc và công tác dân tộc của Công ty Bình Dương đã được chuẩn hóa và phát huy hiệu quả. |
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động dạy tiếng dân tộc và bồi dưỡng công tác dân tộc của Công ty Bình Dương, Đại tá Lưu Văn Đoàn, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15 cho biết, lớp bồi dưỡng năm 2022 của công ty đạt được hiệu quả đầu tiên là giúp cán bộ các đội sản xuất làm việc với đồng bào địa phương được thông suốt hơn.
Từ khóa bồi dưỡng trên, Công ty Bình Dương cần xây dựng kế hoạch thường niên tổ chức kiểm tra trình độ, nhận thức của cán bộ, nhân viên các cấp về công tác dân tộc; thường xuyên trao đổi với cấp ủy địa phương về hoạt động của các đội sản xuất..., qua đó rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ra các đơn vị khác trong toàn Binh đoàn 15.
Bài, ảnh: TUẤN SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.