Các cánh đồng ở Đồng Lạc có diện tích khá lớn, nguồn nước để trồng lúa chủ yếu được dẫn từ các con suối Tà Điểng, Khuổi Vào, Khuổi Lạp. Do thuận lợi về điều kiện canh tác nên lúa ở đây cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài các giống lúa tẻ được bà con trồng làm lương thực, gia đình nào cũng có ruộng cấy lúa nếp.
Trước đây, gạo nếp chủ yếu dùng để đồ xôi, làm bánh. Sau này, lúa nếp non dùng làm cốm được nhiều người ưa chuộng nên bà con dần dần mở rộng diện tích trồng lúa nếp. Giống lúa nếp có thời gian sinh trưởng dài hơn lúa tẻ, vì thế trước vụ gặt, lúa nếp vẫn còn xanh sẽ được hái về để làm cốm.
 |
Bà con dân tộc Tày ở xã Đồng Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn) làm cốm. |
Cầm trên tay những bông lúa nếp còn ướt hơi sương, bà Nông Thị Bạch ở thôn Tràng, xã Đồng Lạc giới thiệu với chúng tôi: “Cốm ngon trước hết nguyên liệu phải tốt. Do đó, chúng tôi thường chọn loại lúa nếp cái hoa vàng hay giống nếp ở địa phương. Hạt thóc to tròn, mẩy, khi bóc vỏ vẫn giữ được hình dáng của hạt cốm, có mùi thơm tự nhiên. Chất lượng cốm ở đây không thua kém các loại cốm ở vùng khác, bởi thế có nhiều khách quen năm nào cũng đến đặt hàng của bà con trong bản”.
Để có được mẻ cốm thơm ngon thì người làm phải rất kỳ công. Lúa nếp sau khi tuốt lấy thóc sẽ được đãi trong nước để loại bỏ những hạt lép. Những hạt chắc, mẩy được vớt ra để ráo nước rồi mới cho vào chảo rang trên bếp củi. Lửa rang thóc vừa phải, tay đảo đều, nếu quá lửa hạt thóc sẽ bị cháy.
Thóc rang se vỏ trấu để nguội rồi đưa vào cối giã. Công việc này khá vất vả nên các thành viên trong nhà cùng làm hoặc anh em họ hàng rủ nhau làm chung. Cốm giã bong vỏ thì đem đi sàng sảy loại bỏ vỏ trấu. Hạt cốm bóc vỏ có màu xanh, có độ mềm, mát. Trung bình một tạ thóc làm được 25-30kg cốm.
Giá cốm dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg. Chị Triệu Thị Thảo ở thôn Nà Chom, xã Đồng Lạc cho biết: “Cốm tươi được bán trong vùng và xuất đi theo các đơn đặt hàng. Sản phẩm cốm tươi tự nhiên có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các món như chả cốm, xôi cốm, cốm xào dừa... được nhiều khách yêu thích. Đặc biệt, bà con làm cốm hoàn toàn thủ công, không phẩm màu, không chất bảo quản nên sản phẩm có độ dẻo, thơm tự nhiên, người sử dụng vì thế rất yên tâm”.
Mỗi vụ cốm, nhiều hộ gia đình ở Đồng Lạc thu về hàng chục triệu đồng, tuy vậy, việc làm cốm của bà con vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, thủ công.
Chính vì thế, người dân mong muốn địa phương quan tâm quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh lúa nếp, hỗ trợ vốn đầu tư máy móc để làm cốm. Bà con cũng mong sản phẩm cốm Đồng Lạc được giới thiệu, quảng bá để nhiều người biết đến và trở thành đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, việc gắn kết du lịch cộng đồng với du lịch làng nghề sẽ tạo thêm cơ hội để sản phẩm cốm đến được với du khách thập phương.
Bài và ảnh: THƯ NGỌC