Khác với cốm của những vùng quê khác, cốm của người Tày Khao dẻo thơm quyến rũ lòng người. Chị Hoàng Thị Hương-một người dân bản địa cho biết, để có được những hạt cốm ngon dâng Mẫu, cúng đất trời, xã Đông Cuông đã giao cho một số hộ dân ở thôn Khe Chàm gieo cấy loại lúa nếp đặc biệt mà bà con ở đây gọi là nếp vải. Để bảo đảm lúa vừa tầm làm cốm, cán bộ khuyến nông của xã sẽ xuống tận mỗi hộ gia đình để hướng dẫn về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và thời điểm gặt lúa. Người dân thôn Khe Chàm đã gieo cấy lúa nếp thành ba trà khác nhau nhằm đề phòng sự bất thường của thời tiết và luôn sẵn sàng có đủ lúa để làm cốm phục vụ lễ tế.
 |
Hội thi khéo tay làm cốm tại Lễ hội Cơm mới 2020. |
Trong những mâm cỗ cúng mừng cơm mới của người Tày Khao thì cốm là món không thể thiếu được. Sau bao đời đúc rút kinh nghiệm, người dân nơi đây đã sáng tạo ra nhiều món ăn từ cốm rất độc đáo như: Cháo cốm, bánh cốm, chè cốm, xôi cốm. Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng không thể không có thịt vịt. Với người Tày Khao, vịt được coi là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Theo truyền thuyết của người Tày Khao, con vịt có công cõng gà trống vượt biển đi cống xứ mường trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người nông dân.
Để Lễ hội Cơm mới đậm đà bản sắc văn hóa, trở thành điểm nhấn thu hút du khách, từ nhiều năm nay UBND xã Đông Cuông đã tổ chức Hội thi khéo tay làm cốm. Tại hội thi, mỗi thôn sẽ cử ra một đội gồm 7 người với nhiệm vụ làm ra cốm ngon nhất, nhanh nhất và được nhiều cốm nhất. Lúa nếp vải sau khi gặt về sẽ được nướng trên lửa than củi. Tiếp đến là công đoạn quạt nguội, tách hạt ra khỏi bông. Hạt cốm của người Tày Khao sau bao lần giã, sàng sảy, tròn mẩy, xanh ngắt như lá dong rừng, mười hạt đều cả mười, cầm vào mát nhẹ giữa lòng bàn tay. Khi thưởng thức cốm người Tày Khao cảm nhận rõ vị ngon, ngậy của hạt gạo, vị thơm của giống lúa quý.
Hội thi khéo tay làm cốm là dịp để phụ nữ Tày Khao thể hiện sự khéo léo, đảm đang. Đây cũng là cơ hội để các bậc tiền bối truyền dạy kỹ thuật làm cốm, giáo dục thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa quê hương. Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND xã Đông Cuông khẳng định: “Lễ hội Cơm mới là dịp để người Tày Khao chúng tôi ôn lại những phong tục tập quán truyền thống của cha ông, khôi phục và duy trì những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chúng tôi làm ra những sản vật, trong đó cốm là món ăn đặc sắc nhất, là kết tinh nhiều đời của người Tày Khao, để dâng tạ ơn Đức Thánh Mẫu, dâng tổ tiên, đồng thời quảng bá những sản phẩm du lịch văn hóa của quê hương, thu hút du khách và nâng cao thu nhập cho các gia đình”.
Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG