Với đặc thù là tỉnh vùng cao biên giới, Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc cùng chung sống. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi đáng kể, kinh tế vững mạnh. Có được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, các già làng, trưởng bản trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, văn hóa.

leftcenterrightdel
Cán bộ địa phương, người có uy tín huyện Tam Đường thăm hỏi, động viên người dân phát triển kinh tế gia đình. 

Huyện Tam Đường hiện có hơn 110 người có uy tín. Tất cả người có uy tín đều là những nhân tố điển hình dám nghĩ dám làm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Ánh, ở bản Km2, xã Bình Lư, vừa là người có uy tín, vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư. Ông Ánh đã tận dụng thế mạnh của địa phương, vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho ra những sản phẩm miến dong chất lượng cao. Hiện nay, cơ sở sản xuất miến dong của ông đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Lai Châu. Từ khi sản phẩm miến dong được thị trường đón nhận, kinh tế gia đình phát triển, ông Ánh giúp đỡ hàng chục gia đình khác tại địa phương có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.

Tìm hiểu thêm về vai trò của người có uy tín, chúng tôi được cán bộ huyện Tam Đường giới thiệu về ông Sùng Giàng Páo, ở bản Sử Thàng, xã Giang Ma. Với vai trò là người có uy tín, ông Sùng Giàng Páo luôn phát huy cao độ trách nhiệm của mình, luôn đi đầu trong các hoạt động của bản, như vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất; xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc để bà con nhân dân trong bản hiểu và làm theo...

Còn tại huyện Than Uyên, hiện toàn huyện có gần 120 người có uy tín. Những năm vừa qua, đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, người có uy tín còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa bàn, khu dân cư tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cơ quan, ban, ngành phát động. Cùng với công tác tuyên truyền, các trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín còn tích cực tham gia cùng ban công tác mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng, nhân rộng mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các thôn, bản theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự hòa giải. Đến nay, các mô hình này đã phát triển sâu rộng trên toàn huyện, mang tính xã hội hóa cao.

Nói về vai trò của người có uy tín đối với đồng bào DTTS, ông Trần Hữu Chí, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: “Người có uy tín là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đặc biệt, người có uy tín đã trực tiếp tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương, vận động bà con thay đổi các tập tục lạc hậu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở các thôn, bản ngày càng lành mạnh, tiến bộ”.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, các cấp, ngành cần thường xuyên tuyên truyền, vận động, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người có uy tín nắm vững cũng như vận động nhân dân cùng thực hiện. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ cũng như triển khai thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín; biểu dương kịp thời người có uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua ở địa phương...

Bài và ảnh: CHÂU TÚ ANH và CTV