100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chúng tôi trở lại Minh Quang, một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Ba Vì ở thời điểm nhiều năm về trước. Giờ đây, diện mạo vùng đất khó đã đổi thay rõ rệt từ cơ sở hạ tầng khang trang, đẹp đẽ hơn đến đời sống kinh tế, tinh thần của người dân có nhiều khởi sắc. Năm 2008, trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, xã Minh Quang có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,5% tổng số hộ dân; đến đầu năm 2023, tỷ lệ này còn 0,35%. Sau khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, xã Minh Quang được TP Hà Nội, huyện Ba Vì quan tâm, đầu tư hơn 700 tỷ đồng để thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế... Từ một xã có 11% đường bê tông, đến nay 98% tuyến đường ở Minh Quang được nhựa hóa, bê tông hóa; các trường học đều đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân của người dân đạt gần 64 triệu đồng/người/năm, cao gấp gần 10 lần so với năm 2008.

Không chỉ ở Minh Quang, theo lãnh đạo huyện Ba Vì, nhờ sự đầu tư tập trung, hiệu quả, đến nay, toàn bộ 7 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội, đời sống người dân được nâng lên. 7 xã miền núi của Ba Vì có tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 38% dân số của huyện, gồm hai DTTS chính là Mường và Dao. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo tại 7 xã này là 13,15% số hộ dân toàn huyện, đến nay còn 0,69%.  

Đồng bào dân tộc Mường ở huyện Ba Vì tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ảnh: HUYỀN THANH 

Tìm hiểu ở huyện Quốc Oai, chúng tôi được biết trên địa bàn có 21 DTTS, với hơn 7.000 người, chiếm hơn 3,7% dân số toàn huyện. Đồng bào DTTS sống tập trung thành cộng đồng tại xã Phú Mãn và xã Đông Xuân, với dân tộc Mường chiếm gần 80%. Theo kế hoạch, tổng số dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho hai xã vùng DTTS của huyện giai đoạn 2021-2025 là 25 dự án, với mức đầu tư hơn 386 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã bố trí hơn 257 tỷ đồng, triển khai 21 dự án. Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đã và đang triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có gần 108.000 người DTTS thuộc 50/53 DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào các dân tộc sống quần cư thành thôn ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, dân số hơn 55.000 người, chiếm 51% người DTTS trong toàn thành phố. 

Đồng chí Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được thành phố quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực lớn thông qua đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2021-2025, thành phố dành nguồn lực lớn với hơn 2.144 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030. 

Tính đến tháng 8-2023, thành phố đã bố trí hơn 1.172 tỷ đồng hỗ trợ các huyện vùng đồng bào DTTS. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 (19/35 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu). Nổi bật là 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt hơn 98%, học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt hơn 97%, học sinh THCS hơn 95%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%... Các xã vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm gần 11%, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,42%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Thúc đẩy sản xuất, tạo sinh kế cho người dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, kinh tế vùng đồng bào DTTS của huyện vẫn chưa khai thác hết được lợi thế về tiềm năng của vùng rừng núi. Trong đó, chương trình giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống của nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện; tỷ lệ hộ có nguy cơ tái nghèo cao.

Chỉ rõ một số tồn tại, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, mặc dù những năm qua, thành phố quan tâm dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, tuy nhiên với điều kiện đặc thù xuất phát điểm thấp, xa trung tâm, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, thu ngân sách còn thấp, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao thu nhập bình quân đầu người của các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, nhất là Ba Vì còn khó khăn. Một số dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào DTTS chậm triển khai do thiếu sự sâu sát của các địa phương, đơn vị...

Để phát huy tối đa nguồn phát triển vùng đồng bào DTTS, lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, huyện sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chú trọng giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết; thúc đẩy đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời, huyện sẽ huy động, thu hút, phát huy mọi nguồn lực để đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS.

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, để tạo lực đẩy mạnh mẽ hơn nữa, giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tiếp tục có nhiều đột phá, thành phố sẽ ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân DTTS và miền núi. Đối với 35 dự án mới của các huyện đề xuất, thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung, cập nhật vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư giai đoạn 2025-2030.

Cùng với phát huy nội lực của các địa phương, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện thực hiện đồng bộ giải pháp 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội vùng DTTS. Chủ động ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

KHÁNH MINH - NGUYỆT ÁNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.