Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, coi đó là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
 |
Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn lãnh, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần. Trong ảnh: Nhân dân xã Khổng Lào vui lễ hội Then Kin Pang. |
Chúng tôi về xã Bản Lang, một xã vùng cao của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Những năm qua, Đảng ủy xã đặc biệt quan tâm tới công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức người DTTS. Đồng chí Nguyễn Huy Du - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Xã Bản Lang hiện có 22 cán bộ, công chức, trong đó có 18 đồng chí là người DTTS, chiếm 81,82%. Cán bộ người DTTS trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã là 3/5 đồng chí, Ban Chấp hành Đảng bộ xã là 11/15 đồng chí, HĐND xã là 19/22 đồng chí”.
Với 98% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, xã Bản Lang xác định đội ngũ cán bộ đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị của xã, cùng với yêu cầu cán bộ nêu cao tinh thần tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện tối đa để cán bộ, công chức hoàn thiện trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo các tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở. Đến nay, xã có 18 cán bộ, công chức người DTTS có trình độ chuyên môn đại học, trung cấp lý luận chính trị; 1 đồng chí đang học lớp chuyên môn (trình độ Thạc sĩ).
“Nhờ am hiểu sâu sắc đời sống, phong tục tập quán của đồng bào mình, cộng với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, các cán bộ đảng viên người DTTS của xã Bản Lang đã thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương”, đồng chí Nguyễn Huy Du cho biết thêm.
 |
Cán bộ xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu tuyên truyền tới người dân lợi ích của xuất khẩu lao động trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
|
Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa, lý luận chính trị, năng lực lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo là người DTTS trong hệ thống chính trị các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, dự báo nguồn cán bộ DTTS để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý. Tỉnh Lai Châu chủ động phối hợp với các học viện, trường đại học mở các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo, quản lý. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh tăng cường mở các lớp đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị; đa dạng hóa các loại hình đào tạo tập trung, không tập trung, tạo điều kiện cho cán bộ, người DTTS và cán bộ, công chức cấp xã tham gia học tập.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tỉnh Lai Châu đã rà soát, bổ sung 503 lượt cán bộ người DTTS đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý cấp tỉnh, cấp huyện và quy hoạch các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025. Mở 23 lớp, cử 2.205 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng (trong đó đào tạo trình độ chuyên môn 174, lý luận chính trị 194, bồi dưỡng 1.837 người).
Song song với đó, tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm công tác tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS. Hằng năm, Tỉnh ủy dành 40% chỉ tiêu để tuyển dụng người DTTS vào các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện. Đến nay toàn tỉnh đã tuyển dụng được 303 công chức, viên chức là người DTTS. Từng bước cơ cấu lại đội ngũ cán bộ người DTTS phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay có 30/50 sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh có cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS (đạt 60%, tăng 2% so với năm 2021). 100% huyện, thành phố trong thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND có cán bộ là người DTTS. 130/263 phòng, ban, cơ quan cấp huyện có cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS (đạt 49,43%, tăng 5,37% so với năm 2021).
 |
Lực lượng đoàn viên thanh niên xã Bản Lang hướng dẫn đoàn viên tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình. |
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện là người DTTS có 7.604 người, trong đó cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 463 (6,09%), trình độ chuyên môn đại học trở lên 462 (99,78%), trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên 375 (80,99%). Cán bộ chủ chốt cấp xã 333 người, trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 78,67%, trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên 37,53%. Theo đánh giá xếp loại hàng năm, đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp xã được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nhiều đồng chí đã được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở; có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được phân công. Làm chuyển biến tích cực tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở.
Những kết quả trên là tiền đề quan trọng để các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TU về Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực nghiệp vụ để góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng phát triển.
Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS cấp tỉnh, huyện được nâng lên: tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học đạt 99,75% (trong đó trình độ sau đại học đạt 27,6%), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 100% (trong đó trình độ lý luận chính trị cao cấp đạt 79,75%; trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên đạt 100% (trong đó trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính trở lên đạt 62,4%). 100% cán bộ chủ chốt cấp xã đảm bảo điều kiện theo tiêu chuẩn chức danh, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 78,67%, lý luận chính trị cao cấp 37,53%... |
BÌNH MINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.