Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, Hà Giang đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng công tác truyền thông đến “đúng người, đúng việc”, phát huy vai trò của lực lượng Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các địa phương có đường biên giới để giảm thiểu tình trạng này.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì, Hà Giang) tổ chức ra mắt các mô hình, chi hội phụ nữ tại các thôn. 

Trong đó, hiện nay các địa phương trên địa bàn Hà Giang đang tập trung triển khai Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em và Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo ghi nhận, tại huyện Hoàng Su Phì, để thực hiện tốt nội dung này; huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; triển khai hoạt động truyền thông bằng nhiều cách: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện phối hợp với các đơn vị như Phòng Tư pháp huyện, Huyện Đoàn xây dựng chương trình sân khấu hóa, phiên tòa giả định, tuyên truyền ở trường học, các buổi chợ phiên, tạo được tính tích cực, lan tỏa cao...

Chị Nguyễn Thị Minh Mùi, Phó bí thư Huyện đoàn Hoàng Su Phì cho biết: “Là lực lượng trẻ với đông đoàn viên, Huyện Đoàn luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo, xây dựng các phóng sự truyền thông sát thực tế địa phương để tuyên truyền, giáo dục, giúp các bạn trẻ nhận thức được hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết…”.

  Huyện Đoàn Hoàng Su Phì tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao công tác truyền thông cho các Đoàn cơ sở.

Còn đối với Hội LHPN huyện, cùng với việc tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt hội viên phụ nữ, họp thôn, Hội có sáng kiến in trên quạt những nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và 4 nội dung nhiệm vụ do Hội chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8 để phát cho đồng bào ở chợ phiên…

Còn tại huyện Mèo Vạc, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn, huyện đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030. Tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030…

 Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc, Hà Giang) tổ chức hội thi bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Mèo Vạc đã lựa chọn 2 xã Lũng Pù và Sủng Trà (địa phương đông người dân tộc Mông) làm điểm, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi tệ nạn này; trong đó, giao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phụ trách từng địa bàn cụ thể. Tổ chức các hội thi dân vận khéo trong công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh…

Các đơn vị như: Trung tâm Văn hóa Thông tin và Du lịch huyện; Huyện Đoàn, Phòng Tư pháp huyện, ngành Giáo dục huyện tăng cường phối hợp, tổ chức các buổi tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại các thôn xã, các trường học.

Các đơn vị trường học của huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể như: Thành lập các câu lạc bộ làm công tác tuyên truyền, vận động học sinh, gia đình học sinh viết cam kết không tảo hôn, kết hôn cận huyết, tổ chức ngày hội đọc sách, các hội thi với chủ đề tìm hiểu pháp luật hoặc tìm hiểu về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết… Nhờ đó, việc học sinh tảo hôn trong nhà trường đã giảm thiểu đáng kể.

 Xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang) quyết liệt xử lý nạn tảo hôn. 

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các trường hợp vi phạm, người dân dần thay đổi nhận thức, thực hiện đúng pháp luật về hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn đang có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2022, toàn huyện Mèo Vạc có hơn 100 cặp tảo hôn thì sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 toàn huyện chỉ còn 19 cặp tảo hôn”.

Đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân về quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra chính là yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Đồng thời, xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, chắc chắn trong thời gian tới tình trạng tảo hôn trên địa bàn sẽ giảm dần và được xóa bỏ. Đồng thời, rất cần sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và xã hội giúp đỡ những trường hợp tảo hôn thực sự khó khăn, để các em không bị bỏ lại phía sau sự phát triển của xã hội.

Bài, ảnh: KIM THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.