Đặc biệt, khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2025 được thực hiện đã góp phần phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Không còn phải lo lắng, đi xin từng chậu nước vào mùa khô, giờ đây, bà Hoàng Thị Điềm, thôn Khau Ca, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông có thể yên tâm về nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh khi công trình nước sạch thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS mới được đầu tư xây dựng ở thôn. Công trình hoàn thành đi vào sử dụng thể hiện sự quan tâm của nhà nước tới vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn như Khau Ca, giúp thay đổi đời sống của người dân ở đây. “Có công trình này gia đình tôi không phải đi gánh nước nữa, nước đầy đủ chảy về đến tận nhà rất phấn khởi”, bà Hoàng Thị Điềm chia sẻ.

Đầu tư công trình nước sạch giúp người dân Khau Ca có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng. 

Thôn người Dao Khuổi Ít từng là những thôn bản khó khăn nhất của xã Kim Lư, huyện Na Rì nhưng nay đã đổi thay nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ hiệu quả cây con giống, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ xóa nhà tạm nhà dột nát từ nguồn vốn của các chương trình chính sách cho vùng DTTS được chính quyền triển khai. Toàn thôn có gần 50 hộ dân thì hiện chỉ còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo.

Với gần 90% là đồng bào DTTS, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách, đặc biệt hiện nay là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS. Trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình này. Từ nguồn vốn được cấp, tỉnh phân bổ về các địa phương để triển khai xuống cơ sở, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; tập trung mở các tuyến đường lâm nghiệp, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hóa.

Thôn Khuổi Ít phát triển cây chè thành sản phẩm hàng hóa. 

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng cũng đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS và miền núi vươn lên, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xây dựng và nhân rộng mô hình hộ gia đình tự vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm ổn định, bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, dạy nghề cho các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Ông Ma Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: “Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tập trung chủ yếu đồng bào DTTS như dân tộc Mông, Dao, Tày…, vì vậy các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng DTTS được triển khai ở huyện đồng bộ, hiệu quả đã góp phần làm cho đời sống nhân dân thay đổi, cơ sở hạ tầng, văn hóa được đầu tư…”.

 Một góc huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Việc tập trung nguồn lực vùng DTTS đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi vùng DTTS. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS trung bình mỗi năm giảm từ 2-2,5%; các công trình hạ tầng được đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng miền núi; văn hóa các dân tộc được giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện.

Bài ảnh: LINH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.