Không chỉ là đồ án tốt nghiệp

Từ lâu, những chiếc bánh truyền thống của đồng bào Chăm không chỉ là thức ăn, quà tặng trong đời sống sinh hoạt, mà còn gắn liền với các nghi thức thờ cúng tổ tiên và sử dụng trong các dịp lễ quan trọng như cưới hỏi, lễ hội, Tết...

Hoạt động thực hành và trải nghiệm thực tế “Bánh Chăm trăm chạm” thuộc dự án “Trăm góc bánh Chăm” được thực hiện bởi nhóm sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh, với mong muốn lan tỏa giá trị ẩm thực truyền thống của người Chăm tại An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Workshop “Bánh Chăm trăm chạm” giúp người trẻ hiểu thêm về giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của người Chăm. 

Chia sẻ về ý tưởng tổ chức buổi trải nghiệm làm bánh Chăm, bạn Tống Ái Linh, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh hào hứng kể: “Đây là đồ án tốt nghiệp của chúng em, bao nhiêu kiến thức học 4 năm ở trường giờ là dịp được áp dụng vào dự án này. Trước khi tổ chức buổi trải nghiệm, thực hành các kỹ năng, áp dụng kiến thức về ẩm thực Chăm hôm nay, chúng em đã có những ngày tháng “nằm vùng” tại tỉnh An Giang để thu thập tư liệu và tìm kiếm nghệ nhân”.

Ái Linh cho biết thêm, khi tiếp cận với chủ đề bánh dân gian của người Chăm tại An Giang, nhóm gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu thông tin để triển khai nội dung truyền thông. Vì cộng đồng người Chăm ở An Giang không quá lớn so với các khu vực khác trong cộng đồng người Chăm tại Việt Nam, nhóm đã khảo sát nhu cầu tìm hiểu về bánh dân gian người Chăm với đối tượng mục tiêu là các bạn trẻ, trước khi thực hiện triển khai dự án.

Sau khi đã có được những thông tin sơ bộ về chủ đề này, nhóm đã tổ chức 2 chuyến đi thực tế đến An Giang để tìm hiểu và khai thác thông tin. Trong quá trình đó, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ đến từ UBND thị xã Tân Châu và UBND thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Tại đây, các sinh viên được kết nối với 3 nghệ nhân làm bánh. Qua đó, nhóm đã có cơ hội tìm hiểu về từng loại bánh, quá trình làm bánh, cũng như lắng nghe những chia sẻ đến từ các nghệ nhân và người dân nơi đây.

Các bạn trẻ hào hứng tìm hiểu, trải nghiệm ẩm thực Chăm và làm bánh Hachoh của đồng bào Chăm.  

Giảng viên Trần Thị Quyên Quyên, giáo viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh, chia sẻ, ngoài việc làm đồ án tốt nghiệp thì các bạn sinh viên cũng nhận thấy vấn đề là món bánh dân gian Chăm có nguy cơ thất truyền, nên đã kết hợp làm dự án nhằm lan tỏa ẩm thực Chăm. Mặc dù là “đứa con đầu lòng”, nhưng các bạn sinh viên đã tạo ra được những thành quả thật sự. Đó là những con số truyền thông cụ thể trên các nền tảng mạng xã hội, những video lan truyền nhanh về dự án, được nhiều người biết tới, minh chứng là có rất nhiều bạn trẻ quan tâm và tới tham gia trải nghiệm các buổi làm bánh.

Giảng viên Quyên Quyên bày tỏ thêm, các bạn chỉ mới chọn ngách truyền thông là món bánh dân gian của người Chăm, nhưng thực ra dự án có thể làm sâu và tạo ra hiệu ứng tốt hơn, đó là quảng bá du lịch tỉnh An Giang. Khi các sinh viên đi thực địa, chính quyền địa phương đã nhiệt tình hỗ trợ, ủng hộ và khuyến khích những ý tưởng nhỏ nhưng đầy tính khả thi này. 

Thổi đam mê vào ngọn lửa ẩm thực truyền thống

Tính từ tháng 5 năm nay, khi bắt đầu triển khai dự án về ẩm thực Chăm, nhóm sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh đã tích cực truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.

“Đơn thuần truyền thông online thì sẽ khó chạm đến cảm xúc của mọi người. Chính vì thế nhóm em đã ấp ủ ý tưởng thực hiện buổi workshop, hoạt động thực tế để nhiều người được trải nghiệm trực tiếp làm bánh, được cảm nhận và thưởng thức hương vị của một loại bánh truyền thống dân gian. Từ đó, hy vọng thúc đẩy mọi người tìm hiểu và có động lực đến An Giang để trải nghiệm bánh Chăm tại đây” - bạn Nguyễn Trần Bâng Bâng, thành viên nhóm bày tỏ.

Một thành viên của dự án “Trăm góc bánh Chăm” chia sẻ với người tham gia về cuốn sổ tay mô tả thông tin các loại bánh Chăm. 

Trong quá trình trải nghiệm, tìm hiểu, các bạn trẻ đã có được những góc nhìn đa chiều đối với các loại bánh dân gian, bởi họ được nghe các câu chuyện, thông tin của các loại bánh phổ biến như Hachoh, Hakling, Tavaq, Paycrah từ các hình ảnh 3D sinh động, cũng như được khám phá nguồn gốc, nguyên vật liệu và trực tiếp học hỏi, thực hành các kỹ năng làm bánh từ các nghệ nhân Chăm ở An Giang.

Để mang đến trải nghiệm thú vị hơn cho mọi người khi xem những thông tin của dự án, bạn Phạm Quang Duy, sinh viên ngành Thiết kế mỹ thuật số, Trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các sản phẩm của sự kiện đều được mô phỏng hình ảnh 3D. Nhóm em đã kết hợp ứng dụng Artivive - ứng dụng công nghệ giúp tạo nên trải nghiệm tăng cường thực tế ảo (AR) trên những tác phẩm nghệ thuật. Người tham gia trải nghiệm chỉ cần quét hình ảnh thông qua ứng dụng công nghệ Artivive thì sẽ thấy những chiếc bánh chuyển động. Điều này gây ra sự tò mò và quan tâm của rất nhiều bạn trẻ.

Các bạn trẻ được các nghệ nhân Chăm đến từ An Giang hướng dẫn làm bánh Hachor và bánh Hakling. 

Ẩm thực là cầu nối gắn kết mọi người trong cộng đồng. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những đặc trưng ẩm thực riêng biệt, phản ánh lịch sử, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên và đời sống sinh hoạt của người dân. Xuất thân là người Chăm ở tỉnh An Giang, từng tham gia nghiên cứu thông tin về cộng đồng người Chăm, anh Nik Mansour Nik Halim, Trưởng nhóm Chiêm Thành Vương Các – nhóm chuyên thực hiện các dự án mô tả, phỏng dựng và chia sẻ các thông tin về cổ phục, phong tục tập quán Chăm - bày tỏ, khi nhắc đến văn hóa Chăm, người ta nghĩ tới vùng đất Duyên hải Nam Trung Bộ, còn với văn hóa Chăm ở Nam Bộ thì ít người quan tâm. Sẽ rất khó để tìm tài liệu, ấn phẩm mô tả chi tiết về văn hóa đặc sắc của người Chăm tại vùng đất giàu truyền thống này.

Anh xúc động nói: “Vì vậy, khi các bạn trẻ chọn tìm hiểu và quảng bá bánh dân gian Chăm, ẩm thực Chăm, cũng như tiếp cận được các nghệ nhân đồng hành, cũng sẽ gian nan hơn. Với những điều các bạn đã làm được, tuy chỉ là khởi đầu nhưng thật sự đáng trân quý”.

Bài, ảnh: KIỀU OANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.