Trước khi biết dệt vải bằng sợi bông, người Cơ Tu đã biết dùng vỏ cây làm áo, khố. Trang phục bằng vỏ cây có ảnh hưởng sâu sắc đến tập quán ăn mặc và là yếu tố định hình nên truyền thống, phong cách trang phục của dân tộc Cơ Tu nói riêng và các dân tộc ít người nói chung. Nghề dệt của người Cơ Tu được hình thành khá lâu đời. Cây bông vải (kpay) nguyên thủy mọc ở trong rừng, được đồng bào mang về trồng trên rẫy và nhân giống, thuần hóa thành cây bông bản địa hiện nay, như: Kpay plâng, kpay lao, kpay plưng mà các nhà khoa học gọi là giống “bông thượng” hay “bông cỏ”. Sau khi thu hoạch bông vải, đồng bào chế biến, nhuộm màu để làm nguyên liệu và đưa vào khung dệt tạo ra các sản phẩm. Khung dệt của người Cơ Tu là loại khung giữ bằng chân, dệt bằng tay, các bộ phận tách rời nhau, chỉ khi dệt, giăng sợi vào thì mới trở thành khung dệt.

leftcenterrightdel
 Nhiều phụ nữ dân tộc Cơ Tu chăm chỉ dệt thổ cẩm, góp phần lưu giữ nghề truyền thống.

 

Hiện tại, làng dệt thổ cẩm Công Dồn ở xã Zuôich, huyện Nam Giang là nơi còn giữ nghề trồng bông, dệt vải theo cách cổ truyền tại tỉnh Quảng Nam. Với bàn tay khéo léo của mình, những người phụ nữ địa phương đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm, chủng loại khác nhau. Mỗi sản phẩm đều có giá trị sử dụng và thẩm mỹ nhất định. Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt. Có thể phân biệt các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu qua những loại hình cụ thể như sau: Tấm aduông (tấm dồ), áo (adooh), áo choàng (adây), khố (h’giăl hay g’hul), váy (hđooh)... Nhờ có nghề dệt mà trang phục dân tộc Cơ Tu được bảo lưu, giữ gìn ở hầu hết các thôn, bản. Tháng 8-2014, nghề dệt cổ truyền của người Cơ Tu đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vinh dự của đồng bào dân tộc Cơ Tu nói riêng mà còn là niềm tự hào của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam nói chung và cũng là cơ hội tốt để đồng bào Cơ Tu bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. 

Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN