Hơn 40 năm về trước, cô sơn nữ người Mường Lê Thị Tiền khiến nhiều chàng trai trong bản Chiềng Khạt theo đuổi bởi đôi bàn tay khéo léo, thành thạo nghề dệt thổ cẩm. Năm nay, tuy đã gần 60 tuổi nhưng bà Lê Thị Tiền cùng nhiều phụ nữ khác trong bản vẫn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, bà coi đó như một kho báu vô giá.

“Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, ở Chiềng Khạt vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm. Dệt thổ cẩm bây giờ đỡ vất vả hơn nhiều. Trước kia, để có sợi thì phải trồng bông, nuôi tằm lấy kén rồi mới kéo ra sợi, sau đó sợi được đưa vào khung vuông rồi chạy quanh 8-10 ống chỉ để se... Ngày nay, xã hội phát triển, người dân chỉ cần đặt mua sợi ở các đại lý rồi đem về se và tiến hành những công đoạn dệt nên tiện lợi hơn rất nhiều”, bà Tiền cho biết. 

leftcenterrightdel
 Nhiều phụ nữ ở bản Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) hiện vẫn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.

Cùng thế hệ với bà Lê Thị Tiền, bà Lương Thị Xuyến vẫn còn nhớ về những món đồ mà bà chuẩn bị để tặng gia đình nhà chồng vào ngày cưới. Theo phong tục của người Mường, con gái khi lấy chồng phải tự tay dệt từ 6 đến 12 món đồ gồm chăn, quần áo, khăn, gối... để tặng gia đình nhà chồng.

Cũng chính vì thế mà ngày bấy giờ, những cô gái Mường hầu hết ai cũng phải biết dệt thổ cẩm. “Là con gái Mường mà không biết dệt thì sao lấy được chồng. Ngày xưa, bà dạy cho mẹ, mẹ dạy cho con, nhà nào cũng có khung dệt, nhà nào đông con gái thì càng nhiều khung dệt”, bà Xuyến mộc mạc kể.

Để có được những tấm thổ cẩm ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng chi tiết. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm phát triển theo nhiều hướng khác nhau, vì thế, các sản phẩm làm ra cũng đa dạng, phong phú.

Ngoài dệt váy, chăn, gối... thì sự sáng tạo của những đôi bàn tay khéo léo đã bắt kịp nhu cầu thị trường, bà con dùng máy may để tạo ra túi xách, bao đựng điện thoại, những chiếc khăn choàng với họa tiết, hoa văn bắt mắt... 

Bà Lê Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Lương cho biết: “Thực hiện đề án gìn giữ và phát triển nghề dệt của địa phương, những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, chúng tôi thường xuyên mở những lớp tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho bà con, nỗ lực duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch. Đây cũng là cách để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bài và ảnh: QUÁCH MIÊN