Sau khi đất nước thống nhất, dù còn nhiều khó khăn nhưng buôn Đrang Phốk vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, nhất là của bộ đội. Ngay từ thập niên 1990, Bộ CHQS và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ dân trong buôn. Tiếp đến, các năm 2005 và 2007, BĐBP tổ chức khai hoang 27ha lúa nước, xây dựng kênh mương thủy lợi đưa cánh đồng từ sản xuất 1 vụ lên 2 vụ/năm. Kể từ đó, bà con buôn Đrang Phốk không còn thiếu lương thực.

leftcenterrightdel
Cán bộ Đồn Biên phòng Sêrêpốk hướng dẫn bà con buôn Đrang Phốk chăm sóc lúa nước. 

Theo lời Buôn trưởng Y Cường Niê, hiện nay, Đrang Phốk có 140 hộ, với 521 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Lào, Ê Đê, Mơ Nông, Gia Rai. Do định cư giữa rừng của Vườn quốc gia Yok Don nên quỹ đất sản xuất nông nghiệp của bà con còn hạn chế. Hiện cả buôn có khoảng 120ha rẫy trồng cà phê, điều, mì, bắp và cây ăn quả; 27ha lúa nước; bình quân mỗi hộ 1ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, bà con buôn Đrang Phốk còn phát triển đàn trâu, bò lên đến gần 300 con. Điều đặc biệt ở Đrang Phốk là trong hành trình phát triển của buôn luôn có dấu ấn của bộ đội, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Trung tá QNCN Đỗ Văn Nhương, Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk, trực tiếp phụ trách buôn Đrang Phốk cùng chúng tôi đi thăm một số công trình tiêu biểu do Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng, như: Phòng khám quân dân y xây dựng năm 2004, nâng cấp năm 2009, mỗi năm khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 lượt người dân; 4 công trình cấp nước sinh hoạt đầu tư trong giai đoạn 2014-2015, bảo đảm đủ nước sạch cho bà con trong buôn; công trình đường điện “Thắp sáng vùng biên” xây dựng năm 2020. Đặc biệt, tuyến đường biên giới dài 36km nối Tỉnh lộ 1 với các đồn biên phòng trên biên giới, ngang qua buôn Đrang Phốk đã được trải nhựa cấp phối nên việc đi lại của bà con thuận tiện hơn, buôn không còn xa xôi cách trở...

Già làng Y Phưn Ksơ chia sẻ: “Nhờ bộ đội mà bà con không còn cảnh thiếu đói, với 27ha lúa nước cho năng suất 4,5 tấn/ha/2 vụ đã giúp đồng bào tự túc được lương thực tại chỗ. Ở buôn không còn tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm, thổ sản trái phép và những việc làm vi phạm quy chế biên giới như trước. Hơn thế, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, tiêu biểu như H'Xiêm Knul có 5ha điều và đàn bò 30 con, mỗi năm thu được hơn 200 triệu đồng; hộ Ma Yêm sản xuất 2ha rẫy, 2 sào lúa nước, có thu nhập ổn định, chăm lo con cái học hành tiến bộ, nay các con đều trưởng thành”.

Bài và ảnh: ĐỊNH THỦY