Tại xã Viên An, nơi có gần 90% đồng bào Khmer sinh sống, những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, cho thấy một cuộc sống ấm no của người dân. Đồng chí Lê Thanh Hòa, Chủ tịch UBND xã Viên An cho biết: “Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua, địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, mua công cụ để hỗ trợ bà con Khmer nghèo sản xuất, nên cuộc sống của bà con giờ đã khá hơn nhiều. Đến nay, xã Viên An đã đạt chuẩn nông thôn mới; hiện thu nhập bình quân đầu người/năm đạt hơn 50 triệu đồng; tính đến cuối năm 2022, hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 3,2%”.

leftcenterrightdel
Phối cảnh cảng biển nước sâu Trần Đề. Ảnh: Báo Tiền phong 

 

Để giúp đồng bào dân tộc Khmer sản xuất hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, huyện Trần Đề thường xuyên mở các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm, tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn của các tổ chức, đoàn thể cho bà con vay mỗi năm hàng chục tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Gia đình chị Lâm Mỹ Hạnh ở ấp Bờ Đập, xã Viên An trước đây vốn là hộ nghèo. Năm 2017, chị Hạnh được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Chị Hạnh cho biết: “Thông qua các buổi sinh hoạt, tôi đã được tuyên truyền về các phong trào và hoạt động của hội, trong đó có chương trình cho vay vốn. Sau khi biết được nhu cầu của tôi, hội phụ nữ đã đứng ra bảo lãnh để tôi được vay 50 triệu đồng. Có vốn, tôi mua 2 con bò sữa về nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình đã phát triển lên 12 con, trong đó có 6 con đang cho sữa, mỗi ngày thu về 600.000-700.000 đồng tiền bán sữa, nhờ đó gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, huyện Trần Đề đã thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 2022, huyện Trần Đề được phân bổ 28,4 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này và các nguồn khác huyện đã hỗ trợ đất ở cho 53 hộ, nhà ở cho 428 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 233 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 244 hộ với kinh phí gần 24 tỷ đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho 23 dự án trên địa bàn ấp, xã đặc biệt khó khăn với kinh phí 7 tỷ đồng. Năm 2023, huyện tiếp tục được phân bổ hơn 36 tỷ đồng cho 6 dự án, dự kiến trong năm huyện sẽ xây mới 10 công trình với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng và đào tạo nghề cho hơn 2.000 người, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 3.000 người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo, cận nghèo trong huyện.

Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: “Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Đặc biệt, nhiều hộ đã tận dụng hiệu quả các nguồn chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Trần Đề có 6/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo trong tạo việc làm, phát triển sản xuất được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng. Tính đến cuối năm 2022, huyện còn 1.200 hộ nghèo, chiếm 4,02%, trong đó hộ nghèo người Khmer là 767 hộ, chiếm 5,47% trong tổng số hộ dân tộc Khmer”. 

Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự vươn lên của người dân, đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Trần Đề ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn, phum sóc từng bước khởi sắc.

KHÁNH UYÊN

Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.