Nhớ lại khoảng dăm năm trước, để vận động được lũ trẻ trong bản đến trường đầy đủ vào đầu năm học mới đã khó khăn rồi, nào ai nghĩ có ngày bản lại có học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngày ấy, nhiều em chỉ học hết bậc tiểu học là bố mẹ đã bắt ở nhà làm rừng, làm ruộng với gia đình.

Mỗi khi có đoàn các thầy, cô giáo trên xã, trên huyện xuống bản vận động học sinh đến trường lại qua nhà nhờ ông Vừ đi cùng. Bởi nhiều khi không có ông là học sinh đóng cửa trốn trong nhà. Khi được các thầy, cô báo trước, ông Vừ đều tận tình liên hệ với gia đình học sinh, nhắn phụ huynh ở nhà để nghe phân tích điều hơn, lẽ phải của việc cho con đến trường.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: TTXVN

Ấy vậy mà vẫn có ông bố cứ khăng khăng: “Học cao để làm gì?”. Rồi họ đưa ra lý do gia đình thuộc diện hộ nghèo, công việc chính là làm rừng, làm ruộng, cần người làm chứ không cần người học. Bản thân họ ít giao tiếp, thiếu kiến thức về xã hội nên lo lắng khi con cái học xong ra trường thì cũng không xin được việc, rồi lại về làm rừng, làm ruộng thì cần gì học cao cho mất công, tốn tiền (?)

Nhiều năm qua, việc vận động học sinh đến trường luôn được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh, huyện đến xã vào cuộc tích cực. Việc đầu tiên là tuyên truyền cho những người làm cha, làm mẹ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cho con em đi học chữ. Cùng với đó, ngành giáo dục đã tích cực xóa mù chữ cho người lớn chưa biết đọc, biết viết.

Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ được học theo chương trình do phòng giáo dục và đào tạo huyện biên soạn. Khi biết chữ, phụ huynh đọc được sách, báo và mạnh dạn hơn trong tham gia các hoạt động của địa phương, từ đó nhận thức, suy nghĩ đã có những thay đổi đáng kể, họ tích cực đầu tư cho con em mình học tập. Như trường hợp chị Nình Móc Căn, mấy năm trước từng tham gia lớp xóa mù chữ ở bản, giờ đây chị rất tự hào vì có con gái đang học một trường đại học ở Hà Nội.

Chị bảo: “Học cao trước mắt là để có kiến thức, từ đó vươn lên thoát nghèo. Đời bố mẹ đã nghèo, tiếp tục để đời con cũng nghèo sao được”. Theo chị Căn, nhờ biết cái chữ, học những kiến thức mới đã giúp chị dễ tiếp thu hơn khi địa phương tổ chức các buổi tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình. Đối với chị, câu hỏi “học cao để làm gì?” đã có câu trả lời xác đáng. Còn ông Vừ cũng có thêm niềm vui riêng khi các gia đình trong bản đã biết lo cho con học hành, không bắt nghỉ học để có người làm rừng, làm ruộng như ngày trước nữa, vì vậy ông đã bớt được việc cứ phải leo hết quả đồi này đến quả đồi khác để vận động học sinh đến trường...

CÔNG THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.