Đó là bởi bà con chỉ biết tra cái hạt xuống để cây tự mọc lên, đến cuối vụ thu hoạch được ít nào hay ít nấy. Ngô thu được thì bà con bán đi trả tiền nợ cũ, rồi vay nợ mới, lại lo trả tiền... điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại. Ở lâu với cái nghèo mãi rồi cũng thành quen, chẳng ai nghĩ đến việc thay đổi!

leftcenterrightdel
 Nhiều hộ nông dân ở xã Kim Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn xây dựng vườn ươm giống cây quế, hồi. Ảnh: Nhandan.vn

Cho đến một ngày, tiếng loa truyền thanh vang lên khắp bản thông báo sẽ có đoàn công tác khuyến nông của tỉnh về hướng dẫn phương pháp canh tác mới nhằm thực hiện chủ trương của trên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tin đó khiến nhiều người trong bản tò mò. Họ bàn tán, họ hỏi nhau, rồi họ lại nghi ngờ vì không biết giống cây mới trồng sẽ ra sao... Thế rồi đoàn công tác khuyến nông của tỉnh về. Hội nghị phổ biến được triển khai ở ngay đầu bản. Bà con tham dự rất đông, những tiếng bàn tán vang lên: “Cán bộ à, mình không biết trồng cây này. Mà có quả rồi liệu ăn thay cơm được không?”; “Mình cứ quẳng hạt ngô, khúc sắn xuống đất thôi, thay đổi cây làm gì, không khéo cái bụng lại đói hơn”... Nghe những lời thắc mắc ấy, cán bộ khuyến nông đã giải thích về giống cây trồng, về phương thức canh tác, kỹ thuật chăm bón, năng suất, chất lượng sản phẩm, khâu tiêu thụ... tất cả đều được trình bày chi tiết, cặn kẽ. Để tạo sức thuyết phục, ban tổ chức còn tặng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng mới để bà con về dùng thử.

Tuy vậy, mãi vẫn chưa thấy có hộ nào đăng ký chuyển đổi giống cây trồng. Đang trong lúc bí, ông Hơn, Trưởng bản đứng dậy xung phong làm đầu tiên. Những ngày sau đó, thửa đất nhà ông được cày xới lại, bón phân lót, trồng giống bí thơm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, lại hợp thổ nhưỡng nên quả bí to, cho sản lượng cao. Từ thành công ban đầu, cán bộ địa phương vận động bà con làm theo. Thấy hiệu quả thực tế, các gia đình đã đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích canh tác. Vậy là vẫn trên những thửa đất cũ, nhưng nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà con chịu khó làm theo. Thế rồi vụ mùa thắng lớn, cả bản phấn khởi đi thu hoạch bí thơm. Sản phẩm được công ty chế biến nông sản thu mua ngay tại chỗ. Có thu nhập cao hơn các vụ trước, người dân trong bản ai cũng vui mừng bảo nhau: “Đây đúng là giống cây xóa đói giảm nghèo mà dân bản mình mong chờ. Bà con mình phải trồng tiếp thôi!”.

SƠN LÂM

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.