Thời buổi công nghệ cái gì không có còn được, nhưng riêng điện thoại thông minh thì cần phải có. Mấy năm trước, ông Sìn cứ mắng mấy đứa cháu suốt ngày kè kè cái điện thoại, ấy vậy mà bây giờ lại đến lượt ông, điện thoại đã trở thành vật bất ly thân.

Công nghệ số, "chuyển đổi số" tưởng rằng chỉ là chuyện của lớp trẻ, nhưng những người cao tuổi như ông Sìn thì "chuyển đổi số" qua việc sử dụng điện thoại thông minh cũng cần thiết lắm, nhất là trên cương vị trưởng bản, nhờ có điện thoại mà ông làm việc thuận lợi hơn. Trước đây, mỗi lần cần họp bản, ông Sìn lại phải leo hết quả đồi này sang quả đồi khác để đến từng nhà mời bà con đi họp. Việc này rất mất công sức và thời gian, bởi công việc chính của bà con là đi làm rừng, lên nương rẫy nên họ thường đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Vì vậy, ông Sìn phải đi đến từng nhà từ rất sớm hoặc tối muộn, đi nhiều ngày mới có thể thông báo hết. Bây giờ thì cứ lập nhóm Zalo, nhập thông tin rồi "bấm" một cái là xong. Hay như trước đây, việc tuyên truyền cho bà con phun thuốc trừ sâu cho lúa cũng gặp khó khăn vì cán bộ hướng dẫn bà con mua thuốc, nhưng cứ nói xong là bà con lại quên bởi tên nhiều loại thuốc xen lẫn chữ nước ngoài. Bây giờ thì đơn giản, cứ chụp ảnh gói thuốc rồi gửi lên nhóm Zalo, ai cần mua cứ ra cửa hàng phố huyện, mở cái ảnh ở điện thoại ra là xong.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa:Ủy ban dân tộc 

Chị Sùng Thị Sín, một người dân trong bản cho biết: “Mình quyết tâm học con chữ cũng là nhờ chiếc điện thoại này, nhờ "chuyển đổi số". Ngày xưa không biết chữ, không đọc được tin nhắn nên khi có thông báo của bản, mình không biết, không nắm được thông tin, vậy nên mình thấy chuyện học chữ là rất cần thiết”. Cũng theo chị Sín, bây giờ "chuyển đổi số" tiện lắm, ngay cả việc đóng tiền điện cũng không mất thời gian. Trước đây, vợ chồng cứ phải phân công nhau, người đi làm rừng, làm ruộng, người ở nhà ra phố huyện đóng tiền điện. Có hôm từ bản ra đến nơi lại đúng giờ nghỉ trưa, thế là phải chờ đến đầu giờ chiều. Bây giờ ban ngày bận đi làm, buổi tối cứ ngồi ở nhà giao dịch qua điện thoại là xong. Cũng nhờ điện thoại mà nhiều người còn học được kỹ thuật chăm sóc lúa, cách trồng rừng, cách nuôi dạy con cho tốt, bán hàng qua internet... Như anh Lỷ Văn Sằn, một người chăn nuôi gà ở bản, trước đây gà bán chậm, nhiều khi không có vốn để tái sản xuất. Nay được tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền, anh Sằn đã sử dụng thông thạo công nghệ, anh tích cực quảng cáo bán gà qua mạng, từ đó có thêm nhiều bạn hàng, lứa gà nào đến lúc xuất chuồng cũng tiêu thụ hết.

"Chuyển đổi số" ở bản của ông Sìn không có gì to tát, bắt đầu từ chính nhu cầu cuộc sống, bởi vậy đã đem lại cho bà con nhiều tiện lợi, cuộc sống của người dân vùng cao đã dần xích lại gần với miền xuôi từ lúc nào không hay.

CÔNG THÀNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.