Mọi lần ông Lỳ bảo bà bắt con gà nấu cháo, bà Múi không làm ngay, nhưng hôm nay bà chỉ đợi chồng giục là lập tức bắt tay vào việc, bởi bà đã biết nguyên do vì sao rồi. Chẳng là hôm nay có anh nhà báo đến bản, đi qua sông bằng mảng không may bị ngã, may mà ở gần bờ, máy ảnh để trong chiếc túi da khoác bên người nên không sao, nhưng quần áo thì ướt hết. Bản của bà Múi nằm độc lập, bị chia cách với các thôn, bản khác bởi có con sông chảy qua. Bà con muốn đi ra trung tâm xã vay vốn sản xuất, người già đi khám bệnh, trẻ em đi học... đều phải qua sông bằng chiếc mảng. Người dân trong bản đa số biết chèo mảng, trẻ nhỏ qua sông luôn có người lớn đi cùng. Ấy vậy nhưng anh nhà báo đến bản không chờ mọi người ra giúp mà tự chống mảng sang sông, vậy là...
Nồi cháo đã cạn nước, hạt gạo sền sệt sánh với nước luộc gà. Bà Múi bê nồi cháo ra nhà văn hóa bản, nơi mọi người tụ họp ở đó. Anh nhà báo đã được một thanh niên trong bản cho mượn tạm bộ quần áo để mặc, còn bộ quần áo của anh đang được hong khô. Mùi thơm từ nồi cháo bốc lên ngào ngạt. Anh nhà báo tên là Trường. Vừa ăn cháo, anh vừa kể cho bà con nghe chuyện về những lần tác nghiệp của mình. Anh kể rằng, có lần anh vào một bản tác nghiệp và phải nhịn đói qua đêm, không phải do bà con không chân tình với mình, mà là do anh không muốn phiền bà con...
 |
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đang tác nghiệp. Ảnh: qdnd.vn |
Đó là lần anh Trường cùng đồng nghiệp đến một bản vùng cao tìm hiểu viết bài về đời sống của người dân. Hôm ấy trời mưa to, do mải mê tác nghiệp, đến chiều tối anh Trường và đồng nghiệp mới tính chuyện về cơ quan. Nào ngờ đến chiếc cầu trên con đường từ bản ra xã thì đã bị ngập, nước chảy cuồn cuộn, nếu cứ cố qua cầu, không khéo bị lũ cuốn trôi, vì thế anh và đồng nghiệp quyết định ở lại.
Thời điểm đó, đời sống của người dân trong bản còn rất khó khăn, hầu hết các gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, nên cũng không có dịch vụ cơm nước, ngủ nghỉ. Không muốn làm phiền cán bộ xã, anh Trường và đồng nghiệp vào ở nhờ nhà một người dân. Thấy hai anh, chủ nhà hỏi: “Đã ăn cơm chưa?”. Biết đây là hộ nghèo, nếu nói là “chưa” thì chủ nhà sẽ mổ gà làm cơm, nên các anh chối đây đẩy: “Chúng tôi ăn no cơm với cán bộ xã rồi”. Chủ nhà có ý nhường chiếc giường duy nhất cho các anh nghỉ ngơi, nhưng nghĩ gia đình còn đứa con nhỏ, nếu nhường giường thì cháu phải nằm dưới đất nên các anh lại chối: “Buổi tối chúng tôi còn phải làm việc nữa, cứ để chúng tôi tự nhiên, chúng tôi quen thức đêm rồi”. Gia chủ vốn là người thật thà, nghe vậy nên thu xếp cho các anh ở gian bếp.
Anh Trường tâm sự: “Đêm hôm đó chúng tôi không sao ngủ được, phần vì bụng đói, lại thêm muỗi đốt. May sao khi trời sáng thì tạnh mưa, nước sông đã rút, cầu đi qua được. Chúng tôi ra trung tâm xã ăn bữa cơm mà chưa bao giờ thấy ngon như thế. Qua câu chuyện ngày đó và sự việc ngày hôm nay, tôi càng cảm nhận được tấm lòng của đồng bào. Đồng bào các dân tộc ở vùng cao chân chất, thật thà, thương người, thật đáng quý!". Ông trưởng bản tiếp lời: “Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chúng tôi còn nhiều khó khăn nhưng phần lớn bà con đều luôn chấp hành nghiêm pháp luật, giữ gìn bản sắc văn hóa. Chúng tôi rất mong các nhà báo, các cán bộ thường xuyên đến tìm hiểu thực tế, chia sẻ và có hướng giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên khá giả”.
CÔNG THÀNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.