Những đứa con của Mỷ

Mới 5 giờ chiều, mặt trời còn chưa kịp trốn xuống ngọn núi phía Tây của bản thì Mỷ đã hối thúc mấy đứa con lốc nhốc như củ khoai, củ sắn chuẩn bị xuống núi. Mỷ với mấy cái bát tô sứt sẹo, vục cho mỗi đứa một tô mèn mén trong cái chõ đồ đã ám khói đen nhẻm ở góc nhà, hối thúc “ăn nhanh còn đi, kẻo tí nữa mặt trời nó đi ngủ thì không nhìn thấy đường đâu”. Thằng Giống, cái De mới 6-7 tuổi, cái Mỵ mới 3 tuổi, còn thằng cu Tỷ mới chưa đầy 1 tuổi, đi đâu vẫn phải địu trên lưng. Mỷ cũng xúc một bát mèn mén, trộn ít xì dầu với nước rau cải luộc rồi cứ thế xì xụp ăn. Từ nãy giờ, ở góc nhà, anh Chá, chồng Mỷ vẫn cuộn tròn trong cái chăn cũ, hơi thở toàn mùi rượu, ấy là do Chá đi ăn cỗ đám ma từ hôm trước về, ngủ vẫn chưa tỉnh. Bọn trẻ cãi nhau chí chóe, Chá cũng mặc.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Do tập tục lấy chồng sớm nên năm nay Mỷ mới 22 tuổi mà đã có tới 4 đứa con. Lúc mới về nhà chồng, bố mẹ đã cho ra ở riêng trong căn nhà tạm cuối bản cùng với mấy vạt ngô. Vợ chồng Mỷ tự làm ăn mà mãi vẫn chưa khá lên vì nhà đông con quá, lại sàn sàn như trứng gà, trứng vịt, chúng chưa làm được gì, chỉ biết quấy khóc và chọc ghẹo nhau. Cái De và thằng Giống đã đến tuổi đi học, nhưng chưa được đến trường vì nhà Mỷ chưa có tiền và cũng chả có ai đưa chúng nó đi học cả. Vài năm gần đây, dưới TP Sa Pa đông khách du lịch nên mấy đứa bạn rủ Mỷ đưa con xuống đó bán hàng để có tiền mua gạo, đỡ đói khi giáp hạt. Thế là Mỷ nghe theo, đưa con đi bán hàng được gần một tháng, đúng là cũng có tiền thật, nhưng chỉ đủ cho nhà Mỷ mua gạo với ngô đổ vào nồi.

Lũ trẻ đã ăn xong, Mỷ vơ lấy túi đồ, trong đó toàn là móc treo chìa khóa lủng lẳng, cái túi nho nhỏ có hoa văn Mỷ mua lại của những người từ bên kia biên giới đem về và dắt con xuống núi. Năm mẹ con nhà Mỷ lụi cụi theo con đường mòn ra khỏi bản dẫn xuống thành phố. Mỷ bước thấp bước cao đi trước, trông cứ như vịt mẹ dẫn đàn con đi kiếm ăn. Vừa ra khỏi bản thì mẹ con Mỷ gặp ông Sinh trưởng bản đang đi cái xe máy ngược dốc. Mỷ định tránh, nhưng ông Sinh đã nhìn thấy và cất tiếng: “Ô mẹ con nhà Mỷ lại đi xuống phố bán hàng đấy à? Tao đến để bảo vợ chồng mày cho thằng Giống và cái De đi học đây. Cặp với sách được xã cấp cho đây rồi. Cơm ăn thì được Nhà nước hỗ trợ. Quần áo mới cho chúng nó cũng có công ty tài trợ đây rồi. Chúng mày chịu khó cho lũ trẻ đến trường đi. Đã khai giảng được hai hôm rồi đấy. Chúng nó mà mù chữ nữa thì khổ lắm, lại đi trồng ngô với trồng sắn thôi”. Mỷ định thanh minh, nhưng ông Sinh đã tiếp: “Mà bảo cái thằng Chá uống rượu ít thôi, đi tìm việc mà làm đi. Nó uống nhiều rượu quá. Mới ngoài đôi mươi mà lúc nào cũng ngật ngưỡng, xác xơ như con bù nhìn cuối vụ ấy...”.

Nghe ông Sinh nói, Mỷ thấy nhói ở trong lòng. Trước đây cũng vì nhà nghèo nên mới đến lớp hai Mỷ đã bỏ học, theo bố mẹ vào rừng kiếm củi, làm nương. Đến giờ nhìn cái chữ nó cứ loằng ngoằng, chỉ viết được mỗi cái tên mình. Mấy năm trước có chú bộ đội đến động viên đi học xóa mù chữ, nhưng mấy đứa con nhỏ nó cứ quấn lấy nên cũng chả học được thêm chữ nào, thành thử đến giờ Mỷ vẫn không đọc được. Có đêm nằm thấy thương cho cái cảnh ngộ nhà mình mà chả biết thoát ra thế nào. Nghĩ đến đấy, Mỷ thấy quyết tâm, nhìn thẳng vào ông Sinh, nói: “Trưởng bản nói đúng rồi. Mai tôi sẽ đưa bọn trẻ đến trường, phải cho chúng nó học cái chữ thôi. Tôi nhờ trưởng bản đến lôi Chá nó dậy, bắt nó đi cuốc nương trồng rau giúp tôi, trồng rau bây giờ cũng bán được tiền đấy”. “Ờ cái này thì tao giúp được. Thằng Chá này từ trước giờ vẫn nghe tao mà. Thôi cho bọn trẻ lên đây tao chở về nhà trước...”. Tiếng xe máy rồ ga ngược dốc. Mỷ tần ngần giây lát rồi cũng quày quả quay ngược lại con đường dẫn về bản.

TRẦN VŨ